Theo Báo Bình Thuận , bà con huyện Tuy Phong của tỉnh này đang trồng cây dưa lưới theo hướng công nghệ cao , kết hợp với thời tiết nắng, gió nhiều tạo nên chất lượng trái dưa lưới nơi đây giòn ngọt và thơm ngon.
Trong đó có Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Thiện An, đưa sản phẩm dưa lưới VietGAP tiêu thụ phổ biến ở một số cửa hàng, siêu thị trái cây sạch trong nước, mang lại nguồn thu nhập khá tốt cũng như tạo việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương.
Hiện nay, hợp tác xã duy trì 20 nhà màng trồng 2 ha dưa lưới công nghệ cao được công nhận VietGAP và cấp mã số vùng trồng tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng, đơn vị này cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn dưa lưới các loại mang lại lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng/trại một ngàn mét vuông, một đợt thu hoạch 75 ngày.
Trồng dưa lưới công nghệ cao , kết hợp với khí hậu nắng gió Tuy Phong nhiều nên chất lượng trái cây ở địa phương này có sự khác biệt: thơm ngon và giòn ngọt hơn.
Theo Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh, dưa lưới có nguồn gốc từ Ấn Độ và Châu Phi. Hiện nay được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Tây Ban Nha, Iran, Rumania, Ai Cập, Maroc, Ý…
Trong đó, quốc gia xuất khẩu với sản lượng lớn lần lượt là Tây Ban Nha, Mexico, Iran, Mỹ, Costa Rica, Guatemala, Brazil, Hà Lan. Trái dưa lưới có giá trị dinh dưỡng rất cao: cung cấp nhiều tiền vitamin A (β-carotene), vitamin C, vitamin E, axit folic và nhiều chất xơ... cần thiết cho sức khỏe của người sử dụng.
Dưa lưới bổ mắt do chứa một lượng đáng kể beta-caroten, một loại chất chuyển thành thành vitamin A trong cơ thể, giúp bảo vệ và duy trì sức khỏe của mắt. Dưa lưới chứa nhiều nước, giúp cung cấp độ ẩm cho da. Da cần nước để duy trì độ đàn hồi và mềm mịn và việc tiêu thụ dưa lưới có thể giúp cải thiện tình trạng da khô, da mụn.
Dưa lưới chứa enzyme super oxid dismutase (SOD) có khả năng giúp giảm căng thẳng và điều trị rối loạn lo âu. Đây là loại thực phẩm giúp cải thiện tinh thần, tăng sự tập trung và cải thiện trí nhớ.
Dưa lưới có hàm lượng đường tự nhiên khá thấp và nhiều nước, giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Dưa lưới chứa một lượng lớn folate và các vitamin thuộc nhóm B, đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển thai nhi và ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở mẹ bầu.
Nhiệt độ tối ưu cho cây dưa lưới phát triển từ 18-28 độ C, phát triển chậm khi nhiệt độ dưới 12 độ C. Dưa có thể chịu được nhiệt độ lên tới 40 độ C nhiều giờ mỗi ngày. Dưa lưới phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm khô và nhiều ánh sáng. Yêu cầu ánh sáng cho dưa từ 8-12 giờ trong ngày. Quang kỳ ngắn kết hợp với cường độ ánh sáng mạnh sẽ thúc đẩy cây ra hoa cái nhiều, tăng tỷ lệ đậu trái, trái chín sớm, năng suất cao. Khi trời âm u, ít ánh sáng, có mưa phùn thì cây dưa lưới phát triển kém, đặc biệt giảm khả năng đậu trái và phẩm chất trái.
Độ ẩm không khí thích hợp cho cây là 45-55%. Độ ẩm cao dễ bị bệnh hại xâm nhiễm. Độ ẩm đất thay đổi đột ngột, nhiệt độ không thích hợp sẽ gây ra hiện tượng quả phát triển không bình thường, không cân đối, dị hình.
Để trồng dưa lưới, khâu chọn giống rất quan trọng, cần chọn giống thích nghi điều kiện khí hậu, có chất lượng và năng suất cao, kháng bệnh. Hiện nay, tại TP HCM, các giống dưa lưới được trồng phổ biến: Taka, Taki, AB Sweet Gold, TL3, Sweet 695. Cây dưa lưới trồng trong nhà màng, được kiểm soát tốt các điều kiện về nhiệt độ, ẩm độ... nên có thể trồng quanh năm, 1 năm có thể trồng 4 vụ.
Chuẩn bị thu hoạch cần ngưng tưới dung dịch dinh dưỡng 7 ngày, ngưng tưới nước 5 ngày trước khi thu hoạch. Thời gian sau thụ phấn khoảng 40-50 ngày tùy theo giống, thì có thể tiến hành thu hoạch. Khi thấy trái có lưới tạo đều và phần cuống trái đã xuất hiện lưới kết hợp chuyển màu hơi vàng là thời điểm thu hoạch thích hợp hay độ ngọt (độ Brix) đạt 12% trở lên là thời điểm có thể thu trái. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát.