Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 31,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 17,9 tỷ USD, tăng 15,6%, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD, giảm 2%. Như vậy, xuất siêu NLTS đạt 4 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), bốn tháng đầu năm thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản (NLTS) được phân bố như sau:
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với gần 4,9 tỷ USD, chiếm 27% thị phần. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu NLTS của cả nước ở thị trường này.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, chiếm 18% thị phần. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22%.
Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản với kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD, chiếm 7% thị phần, trong đó xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44%.
Đáng chú ý, có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Cà phê, gạo, rau quả, tôm và gỗ.
Nhịp sống doanh nghiệp nêu góc nhìn của những "người trong cuộc" về tình hình xuất khẩu 5 mặt trên trong thời gian tới:
Nếu tình hình tàu bè vẫn ổn, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt
Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 04 đầu năm ước đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 59,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương, cuối tháng 4/2022, giao dịch cà phê thị trường nội địa diễn ra khá ảm đạm do giá giảm sâu. Quý 1/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục tính theo quý.
Dự báo quý 2/2022 xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trưởng nhờ nguồn cung dồi dào, các FTA giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng cà phê Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc INTIMEX group cho biết, thị trường cà phê toàn cầu vẫn có nhu cầu nhưng trước đây do tình hình vận chuyển bị ách tắc nên xuất khẩu giảm, trong mấy tháng qua xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh do doanh nghiệp tìm được tàu, và khi tình hình vận chuyển thông thoáng thì hàng hóa sẽ đi nhanh, xuất khẩu lại tăng cao bù cho thời gian trước. Trong quý 2, nếu tình hình tàu bè vẫn ổn thì xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.
Xuất khẩu gạo nhộn nhịp trong quý 2
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt khoảng 1 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước có phần tăng cao nên giá bán được điều chỉnh tăng. Hiện gạo 5% tấm Việt Nam chào bán với giá 415 USD/tấn; gạo 5% tấm Thái Lan giá 445 USD/tấn; gạo 5% tấm Ấn Độ giá 343 USD/tấn.
Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết thêm, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến việc cung cấp lương thực ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt khó khăn, và tình hình lương thực thế giới đang biến động lớn.
Nguồn cung lúa mì bị gián đoạn, các nước châu Phi đang bị thiếu lúa mì nên có sự điều tiết lương thực trên thị trường toàn cầu, và buộc châu Phi phải dùng gạo thay thế. Hiện một số vùng đặc biệt của châu Phi đã mua gạo từ Việt Nam tương đối sớm.
"Châu Phi có hai nguồn cung lương thực, một là nguồn lúa mì nhập từ Nga và Ukraine, hai là nguồn gạo từ châu Á. Bây giờ nguồn cung lúa mì bị đứt buộc họ tăng nhập khẩu gạo.
Châu Phi là thị trường gần và truyền thống của Ấn Độ và Pakistan nên các nước này xuất khẩu gạo sang Châu Phi thuận lợi hơn Việt Nam nhiều. Hiện giá gạo Việt Nam cao nên khó cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan, vì vậy, Việt Nam bán vào thị trường này chủ yếu là loại gạo cao cấp", Tổng giám đốc Intimex Group
Tại Philippines, Chính phủ nước này đang lo ngại nguồn cung gạo bị ảnh hưởng nên sẽ cấp sớm quota để thương nhân mua gạo lại trước kỳ hạn hàng năm.
"Nhìn chung cánh cửa nhập khẩu gạo ở Philippines vẫn đang rộng mở và các thương nhân Philippines đang tích cực mua vào. Qua đó cho thấy tín hiệu thị trường gạo trong quý 2/2022 đang rất tốt. Dự báo trong quý 2 các thị trường nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng nhu cầu nhập khẩu kéo giá gạo tăng theo nhất là khu vực châu Phi", Phó chủ tịch VFA nói.
VFA dự báo, quý 2 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn do các nước nhập khẩu gạo đẩy mạnh mua vào, doanh nghiệp trong nước cần đảm bảo nguồn hàng và lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.
Xuất khẩu rau quả từ 4 tỷ USD xuống còn 3,5 tỷ USD
Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2022 ước đạt 313,336 triệu USD, giảm 9,2% so với tháng trước, và giảm 22,6% so với tháng 4/2021. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt 1,162 tỷ USD giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên - Tổng thư ký Vinafruit cho biết quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm sâu đến 25,44%, đã kéo tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 848.971 triệu USD.
Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách ‘Zero COVID’ khiến việc kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường này rất ngặt nghèo, dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa rất chậm chạp.
Ngoài yếu tố thị trường Trung Quốc thì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu rau quả và làm ảnh hưởng đến giá đầu vào nông sản như giá nhiên liệu, giá phân bón... tăng cao, trong khi giá bán nông sản của người nông dân tăng không đáng kể làm ảnh hưởng đến thu nhập của bà con.
Dự báo, xuất khẩu rau quả quý 2/2022 sẽ tương đương quý 1, vì thị trường chủ lực Trung Quốc vẫn chưa hết dịch bệnh. Đầu năm hiệp hội đưa ra dự báo xuất khẩu rau quả năm nay sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD, nhưng nay hiệp hội hạ dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay bằng có thể năm 2021 là 3,5 tỷ USD.
Ngành gỗ gặp nhiều cạnh tranh
Theo Cục XNK, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ phục vụ sản xuất. Đầu năm 2022, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng 30 - 52%, cùng với thời gian vận chuyển kéo dài khiến doanh nghiệp gặp khó về bài toán nguyên liệu.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá cước vận tải tăng và nguy cơ lạm phát, buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tìm nhiều giải pháp khắc phục, nâng cao tính cạnh tranh mới có thể đạt kế hoạch xuất khẩu 17,5 tỷ USD/năm.
Dự báo xuất khẩu tôm sẽ đi ngang so với năm trước
Bốn tháng đầu năm 2022 xuất khẩu tôm đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái
Trong quý 1/2022, hoạt động xuất khẩu tôm khá tốt đã mang về gần 1 USD, tăng 44% so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn. Song, phía sau kết quả đó có một số doanh nghiệp phải xử lý các hợp đồng còn tồn đọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng gặp ngay cơn bão giá nguyên liệu khiến họ đã khó càng thêm khó.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Thuận Phước cho biết các hợp đồng doanh nghiệp đã ký trong năm 2021 có mức giá tương đối thấp nhưng hiện tại giá nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng quá cao khiến họ đối mặt nhiều khó khăn.
Tại các thị trường nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ tôm của người tiêu dùng vẫn cao nhưng khả năng thanh toán bị hạn chế. Ngoài ra, nếu cuộc chiến Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, lạm phát leo thang khiến giá hàng hóa trong đó có thủy hải sản cũng gia tăng, và người tiêu dùng khó có thể chấp nhận mức giá mới.
Chính những yếu tố không thể đoán định đó làm cho nhà nhập khẩu chỉ có thể ký hợp đồng cầm chừng. So với năm 2021 dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 sẽ đi ngang.