Vào tháng 2 năm 2014, một cuộc đình công tại hệ thống tàu điện ngầm ở Luân Đôn đã mở ra cho các nhà lý thuyết quản trị một bài học về khả năng phục hồi và thích ứng. Bởi hệ thống chỉ bị đình công ở một số chuyến chứ không phải tất cả, người dân Luân Đôn buộc phải cân nhắc về cách đi lại của mình.
Nghiên cứu tại Đại học Oxford và Cambridge nhận thấy rằng khoảng 5% hành khách gặp rắc rối với lịch trình di chuyển mới của họ ngay cả sau khi dịch vụ trở lại bình thường. Lợi ích kinh tế dài hạn đến từ một trong 20 hành khách đã áp dụng các biện pháp mới và cải tiến, hóa ra lớn hơn rất nhiều so với chi phí tổn thất trong thời gian gián đoạn.
Sự bùng phát Covid-19 trên toàn cầu đặt ra một thách thức lớn hơn rất nhiều so với sự việc trên. Các cảnh báo về lợi nhuận đang được phát đi nhanh chóng, hệt như tốc độ lây lan căn bệnh này. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính rằng tăng trưởng doanh thu của các công ty trong nhóm S&P 500 sẽ chững lại.
Xét đến hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI, đã sụt giảm ở châu Á và dự kiến sẽ suy giảm ở những nơi khác nữa khi dịch bệnh tràn tới. Người tiêu dùng không mua sắm gì ngoại trừ giấy vệ sinh, khẩu trang và đồ ăn sẵn. Những lo ngại về đại dịch đã xóa sổ 7 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của các công ty niêm yết trên toàn thế giới trong 2 tuần qua.
Giống như hầu hết những người đi tàu điện ngầm ở Luân Đôn, một số công ty sẽ hoạt động trở lại khi mối đe dọa giảm bớt. Nhưng đối với những người khác, sự gián đoạn sẽ có tác động lâu dài, thúc đẩy các xu hướng tiềm ẩn trong tổ chức kinh doanh.
Những tháng tiếp theo sẽ được coi là một thử nghiệm lớn trong việc liệu các công nghệ mới có thể cho phép nhân viên làm việc từ xa, thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc văn phòng hiệu quả hay không. Và đối với các công ty đang lo lắng về chuỗi cung ứng eo hẹp trong cuộc chiến thương mại, đại dịch chính là một lý do nữa để cơ cấu lại chúng.
Xét đến yếu tố nhân sự. Trước tiên, các công ty phải tự hỏi rằng có nên cho nhân viên đi công tác, tham dự hội nghị hay thậm chí đến văn phòng hay không. Trong cả ba trường hợp, câu trả lời ngày càng sẽ là "không". Nhiều công ty lớn, bao gồm Amazon và JPMorgan Chase, đã cấm tất cả các chuyến bay không cần thiết. Các hãng hàng không và khách sạn đang báo cáo sự sụt giảm trong đặt phòng.
Corporate Travel Management, một công ty niêm yết của Úc chuyên tổ chức các chuyến đi cho doanh nghiệp, đã cảnh báo rằng tác động có thể kéo dài đến sáu tháng. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Du lịch Kinh doanh toàn cầu cho thấy rằng việc đi công tác - mà tiêu tốn các công ty hơn 1 nghìn tỷ USD một năm (và thải ra lượng lớn carbon), có thể giảm hơn một phần ba trong khi dịch bệnh hoành hành.
Các sự kiện lớn của các công ty đang bị hủy bỏ. Cuộc họp mặt lớn nhất hàng năm của ngành công nghiệp dầu mỏ ở Houston và triển lãm ô tô Geneva sẽ không diễn ra trong tháng này. Google và Facebook đẩy mạnh những "hội thảo trực tuyến". Tuần lễ thời trang tại Milan và Paris bị hủy bỏ, Armani đã phát trực tiếp buổi trình diễn mùa thu - đông. Đây là tin xấu đối với các công ty sự kiện như Informa - chứng kiến giá cổ phiếu giảm 1/5 kể từ đầu tháng Hai, đặc biệt là vào thời điểm mà nhiều buổi trình diễn của các nhãn hiệu cao cấp đang mất đi sức hấp dẫn.
Đồng thời, ngày càng nhiều công ty đang học cách tương tác từ xa. Vào ngày 3/3, JPMorgan Chase yêu cầu hàng ngàn nhân viên ngân hàng ở Mỹ làm việc tại nhà. Twitter đã yêu cầu 5.000 nhân viên của mình làm điều tương tự. Sony đã đóng cửa hoàn toàn một số văn phòng ở châu Âu, các công nhân dự kiến cũng sẽ làm việc từ xa.
Cùng với mức độ phung phí trong ngân sách dành cho các chuyến du lịch, các kế hoạch dự phòng cũng có thể tiết lộ tình trạng kém hiệu quả từ việc sử dụng không gian văn phòng. Các công ty lớn của Anh và Mỹ trả trung bình 5.000 USD cho mỗi nhân viên trong chi phí thuê hàng năm. Chỉ khoảng 40-50% số ghế ngồi được sử dụng trong thời gian làm việc.
Năm ngoái, 2/5 trong số 600.000 nhân viên văn phòng trả lời khảo sát của Leesman, một nhà cung cấp dữ liệu, rằng môi trường văn phòng đã ngăn cản họ làm việc hiệu quả. Nếu bây giờ các nhà quản lý thấy rằng năng suất thực sự tăng hoặc ít nhất là không bị ảnh hưởng khi nhân viên làm việc tại nhà, đây sẽ là một giải pháp hữu ích. Các nhà đầu tư đang đặt cược vào nó. Trong tháng vừa qua, giá cổ phiếu của Slack, một nền tảng trao đổi thông tin cho các tổ chức và Zoom, phần mềm họp mặt trực tuyến, đã tăng lần lượt 18% và 35%.
Hướng thứ hai mà các công ty có thể cân nhắc nhằm cải tiến doanh nghiệp là chuỗi cung ứng. Từ những năm 1980, những điều này đã trở nên phức tạp và toàn cầu hơn khi các công ty lớn hiện phụ thuộc vào hàng ngàn nhà cung cấp. Mô hình sản xuất tinh gọn và cung cấp kịp thời các thành phần, được tiên phong bởi Toyota vào những năm 1970, đã giúp sản xuất hiệu quả hơn nhưng nhạy cảm hơn trước những gián đoạn, vì các công ty dự trữ ngày càng ít vật liệu cần thiết. Trung bình các công ty thuộc S&P 500 chỉ có 66 ngày tồn kho, và con số này ở một vài công ty thậm chí còn nhỏ hơn - chỉ chín ngày đối với Apple, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Khi thiên tai ập đến, các công ty lớn thường vượt qua bằng cách tạm thời chuyển sản xuất từ các khu vực bị ảnh hưởng sang các khu vực không bị ảnh hưởng. Nhưng không giống như lũ lụt, trận động đất hay thậm chí là cuộc chiến thương mại - những tình huống mà tất cả các công ty đều có kinh nghiệm từ trước, Covid-19 có thể ảnh hưởng đến tất cả các nhà thầu phụ hiện tại và tiềm năng của công ty. Trong một kịch bản như vậy, dự trữ nhiều hàng tồn kho hơn và tự chuẩn bị nguyên vật liệu có thể không còn lãng phí nữa. Điều này có thể được xem là cần thiết.
Virus corona sẽ không làm cho việc kinh doanh du lịch hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu biến mất. Các nhà máy Trung Quốc đang hoạt động trở lại và rất có thể, những công ty giàu tiềm lực sẽ sớm quay lại cuộc chơi. Nhưng cuộc khủng hoảng mang đến cơ hội thử nghiệm những phương pháp hoạt động mới và đặt câu hỏi về tính hiệu quả của những thói quen cũ. Các giám đốc điều hành không nên bỏ lỡ cơ hội này.
Tham khảo Economist