Năm 2015, sau khi giải nghệ với với nghề lái xe tải công trường, ông Sỹ cùng vợ định ra hướng đi “trồng cây và chăn nuôi” để phát triển kinh tế cho gia đình mình. Thứ cây và vật nuôi ông Sỹ chọn lúc đó là trồng thanh long ruột đỏ, nuôi lợn thương phẩm và chim bồ câu Pháp. Thời gian đầu ông cũng gặp một số khó khăn về kỹ thuật trồng thanh long và chăm sóc chim bồ câu.
Những trụ thanh long đang trong thời gian cho trái chín.
Với lợi thế đất đai rộng rãi và nguồn vốn gia đình hòm hòm, đến đầu năm 2017 ông Sỹ mạnh dạn đầu tư hơn nửa ha đất trồng thanh long ruột đỏ và 50 đôi chim bồ câu Pháp. Sau hơn 2 năm phát triển, tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý, đến nay ông Sỹ đã phát triển diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên 0,8ha với 120 trụ, hơn 200 đôi chim bồ câu Pháp.
Nuôi chim bồ câu mang lại nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng cho gia đình ông Đặng Văn Sỹ.
Ông Sỹ chia sẻ: “ Tôi quyết nghỉ nghề lái xe về nhà cùng vợ làm kinh tế gia đình, hướng đi lúc đó của tôi là trồng thanh long ruột đỏ và nuôi lợn thương phẩm là chính, chim bồ câu Pháp tôi chỉ nuôi thêm chơi cho có con nọ con kia. Nhưng sau 2 năm trồng và chăn nuôi tôi nhận thấy trồng thanh long và nuôi chim bồ câu đem lại hiệu quả kinh tế hơn cả. Vì vậy, tôi đã quyết định mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ và nhân giống, mở rộng thêm chuồng nuôi chim bồ câu”.
Nhờ chăm sóc tốt mà một trụ cho từ 35 đến 40kg quả/ năm và quả to, mỏng vỏ, tai thưa, ruột đỏ và rất ngọt.
“Giống thanh long ruột đỏ tai thưa tôi nhập của Công ty giống cây trồng miền Nam. Trồng thanh long kỹ thuật đơn giản, cây thanh long cũng ít bị sâu bệnh. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mà 120 trụ thanh long cho sản lượng khoảng 4 - 5 tấn/ năm. Chất lượng thanh long của gia đình tôi thuộc loại xuất sắc: Quả to, mỏng vỏ, tai thưa, ruột đỏ và rất ngọt. Mỗi 1 đợt thanh long cho quả chín tôi xuất bán luôn cho các thương lái chứ ko phải mang thanh long đi bán lẻ...", ông Sỹ phấn khởi cho hay.
Theo ông Sỹ: "Chim bồ câu Pháp dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn và rất mắn đẻ". Hiện, ông Sỹ bán chim bồ câu non với giá 110.000 đồng-130.000 đồng/đôi.
Về chim bồ câu Pháp, đúng là nuôi con gì thì yêu thích con đó, hàng ngày ông Sỹ lên mạng tìm tòi, đọc thêm sách báo về kỹ thuật nuôi chim bồ câu cũng như cách chăm sóc chim bồ câu. Ông biết loại chim này thích ăn thóc nếp loại hạt trơn tròn và rất mắn đẻ.
Chim bồ câu trưởng thành cứ 45 ngày 1 lứa, sau 2 tuần là tách được chim non. Đều đặn mỗi tháng ông Sỹ gột bán trên dưới 50 đôi chim bồ câu non cho các nhà hàng, khách sạn với giá bình quân 110 - 130.000 đồng/đôi. Nuôi chim bồ câu hay ở chỗ cùng thuộc họ gia cầm nhưng không bị dịch chết hàng loạt như gà, vịt.
Ông Đặng Văn Sỹ chăm sóc đàn chim bồ câu Pháp.
"Hai bệnh điển hình mà chim bồ câu dễ mắc phải là chân khô và đi ỉa phân xanh. Tôi chỉ cần chịu khó quan sát hàng ngày và mua thuốc đặc trị là khỏi. Cách phòng ngừa dịch bệnh tốt nhất là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ 1 tuần 1 lần, định kỳ 1 tháng thay ổ rơm và khử trùng là chim bồ câu sinh trưởng, phát triển tốt.” ông Sỹ chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp trong nhà nuôi chim bồ câu Pháp, ngoài vườn trồng thanh long ruột đỏ của ông Sỹ đã có hơn 10 hộ gia đình khác trong xã Pom Lót học hỏi và làm theo. Với bất kỳ hộ gia đình nào có nhu cầu mua chim bồ câu giống cũng như học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long, ông Đặng Văn Sỹ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn chỉ bảo nhiệt tình.