Tận dụng những khoảnh đất trống quanh nhà hay mảnh vườn nhỏ, nhiều hộ dân ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn, An Giang) trồng ổi lê, trước là để ăn, nhiều thì bày bán ngay trước nhà. Dần dần, cái nghề tưởng làm chơi này trở thành nguồn thu nhập quan trọng của không ít gia đình.
Men theo con lộ nông thôn, hướng Phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên) vào xã Phú Thuận, khi vừa qua trung tâm xã, chạy hướng xuống ấp Hòa Tây B (xã Phú Thuận) nơi giáp ranh giữa Cần Thơ và An Giang, khách đi đường dễ dàng bắt gặp nhiều loại trái cây miệt vườn tươi ngon bày bán dọc 2 bên đường. Nào là đu đủ, mãng cầu xiêm, chuối, ổi, mít; nào là cam, quýt, khô cá lóc, cá sặc bổi, nước mắm đồng… Các loại sản vật này chủ yếu do người dân tự trồng hoặc tự chế biến nên đúng chất “cây nhà lá vườn”, được du khách ưa chuộng.
Khi vừa qua khỏi cầu dây văng khoảng 100m, đoạn thuộc ấp Phú Tây (xã Phú Thuận, Thoại Sơn), khách đi đường dễ bị cuốn hút bởi những mâm ổi, da bóng lộn, căng mọng. Dọc 2 bên đường, cách con kênh nhỏ là những vườn ổi xanh trái trông rất ngon lành. Ông Phan Văn Cam (thường gọi Năm Cam, 60 tuổi, ngụ ấp Hòa Tây B) cho biết, tận dụng khoảnh đất nhỏ bên hông nhà, ông trồng 50 gốc ổi.
Ông Năm Cam chăm sóc vườn ổi lê
“Do cảnh nhà đơn chiếc nên tôi chỉ dám trồng bấy nhiêu. Dù chỉ có 50 gốc nhưng vào đợt cho trái, một mình tôi phải hái. Mỗi ngày, hái được từ 100 – 200 kg, lúc trái rộ trên 300kg là chuyện bình thường. Ổi thu hoạch xong, ông năm Cam cân cho những hộ xung quanh bày bán dọc 2 bên đường. Với giá bỏ mối bình quân 10.000 đồng/kg, vào vụ thu hoạch, mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng.
“Do bán trực tiếp cho khách đi đường nên tôi không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc Trung Quốc làm cho trái to - ông Năm Cam bộc bạch.
Chỉ tay vào vườn ổi sai trĩu quả, ông Trần Văn Bên ( 46 tuổi, ngụ ấp Kênh Đào, xã Phú Thuận, Thoại Sơn) người được dân trong vùng gọi là vua ổi, ông Bên hiện có gần 500 gốc ổi lê cho biết: “Trước tôi chỉ trông rau màu thì may rủi lớn, nên tôi quyết định chuyển sang cây ăn quả vì trồng cây ăn quả có mưa cũng không hỏng mà thu nhập lại đều đều quanh năm.
Thấy giống ổi lê khá lạ, lại chưa được đưa vào thâm canh tại địa phương nên gia đình tôi quyết định trồng thử. Lúc đầu tôi cũng lo lắng về năng suất cây trồng, chỉ dám thử trồng trên 1 công ruộng. Nhưng may mắn thay, chất đất ở đây lại phù hợp để giống cây này phát triển, hiện tại gia đình tôi đã mở rộng ra trồng trên 4 công.
Cách trồng cây ổi lê không khó. Ổi lê ít tốn công chăm sóc nhưng cực ở khâu thu hoạch vì cho trái liên tục .“Khi thấy cây ổi lê bắt đầu ra trái nhỏ thành từng cặp thì tỉa bỏ bớt trái để dưỡng cho trái ổi còn lại mau lớn, mỗi cành chỉ để 1-2 trái phía trong gần thân chính, ngắt bỏ trái phía ngoài ngọn. Mỗi cây ổi lê trồng nên nuôi từ 3-4 trái là đủ. Nếu để quá nhiều trái trên cây thì không đủ dinh dưỡng, trái ổi dễ bị rụng. Khi cây ổi lê cho vài đợt trái và thấy hiện tượng cây bắt đầu suy yếu thưa lá , lá mới nhỏ dần thì tiến hành cắt tỉa thu gọn bớt tán cây, bón phân đầy đủ để cây ổi lê bắt đầu cho đợt trái mới”. ông Bên cho hay.
Ổi lê là giống cây sinh trưởng và phát triển mạnh, ra trái quanh năm,khả năng chống chịu sâu bệnh tốt
Sau mỗi đợt thu hoach trái thì tiến hành bón phân gốc và tỉa cành thu gọn tán cây ổi, không cắt vào phân cành cấp 2, chỉ bấm phân cành cấp 3.Từ một nhánh ban đầu sau khi tỉa bỏ sẽ xuất hiện hai chồi mới, từ chồi này sẽ cho cặp trái mới. Lưu ý giữ bấm ngọn để tạo khung tán cho cây ổi phát triển theo hình cây nấm. Khi cây ổi có nhiều cành nhánh thì nhu cầu bón phân tưới nước phải tăng theo kích thước cây, từ đó cây ổi mới đủ sức cho nhiều quả.
Cây ổi lê trồng vườn nhà ít khi bị sâu bệnh tấn công, chỉ khi có trái cần phải bao lại bằng bich ni lon để tránh bị ruồi hút chích làm thối quả. Có thể dùng thuốc trừ sâu sinh học hay nước tỏi và ớt phun cho cây ổi nhằm xua đuổi côn trùng không tới gần- ông Bên chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Hội Nông dân xã Phú Thuận, trên địa bàn xã hiện có khoảng 20 hộ dân trồng ổi. Từ loại cây trồng quanh nhà để “ăn chơi”, nhiều hộ đã mở rộng vườn, học tập kỹ thuật canh tác, biến cây ổi thành cây “hái ra tiền”. Hộ trồng ít cũng vài chục đến vài trăm gốc, hộ trồng nhiều đến 2 - 3 công đất. Đến đợt thu hoạch, có những hộ mang ổi ra bán trực tiếp trước nhà, có những người chuyên đi thu gom ổi của những hộ nhỏ lẻ khác, dựng sạp bán liên tục ngày này qua ngày khác, hay đem bỏ mối cho các căn tin trường học quanh xã.
Bà Nguyễn Thị Hai (60 tuổi, ngụ ấp Hòa Tây B) cho biết, nhờ nghề cân ổi bán lại cho khách đi đường, mỗi ngày bà kiếm được hơn 200.000 đồng tiền lời.
Bà Hai đang bán ổi cho khách
“Đối với ổi da bóng, căng mịn, trái to, giá bán lẻ từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Với dân chuyên thu gom rồi bán lại như tôi thì lời ít hơn, còn những hộ trồng được vài trăm gốc, tự thu hoạch mang ra bán, thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Những hộ trồng được vài công ổi, mỗi ngày có thu nhập cả triệu đồng. Từ khi có cây ổi, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định” - bà Hai chia sẻ.
Chị Lưu Thị Mỹ Tiên ( Giáo viên Trường tiểu học Phú Thuận) cho biết, dù nhà ở TP Long Xuyên, mỗi khi ra các chợ ở TP. Long Xuyên đều có bán ổi, nhưng trên đường đi dạy trong xã Phú Thuận, thì thấy người dân trồng ổi, chị đều ghé mua. “Thấy người dân trồng, hái trái tại chỗ mình cũng yên tâm. Đặc biệt là ổi rất tươi ngon, căng mọng, chấm muối ớt ăn là hết xảy. Lần nào mang ổi từ Phú Thuận về, đám bạn đều khen lấy khen để. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn rủ nhau vào tận vườn ổi, tự tay bẻ trái rồi chụp hình khoe lên mạng xã hội” - chị Tiên thích thú.
Những sản vật “cây nhà lá vườn” như cây ổi được xem là điểm nhấn thú vị đối với lữ khách đặt chân đến vùng thôn quê. Đó còn là ký ức với những ai từng gắn bó với miền quê thuở bé.
Ổi không chỉ là loại trái cây ngon, phố biến của người Việt mà còn có rất nhiều công dụng: làm đẹp da, ngừa cao huyết áp, giảm ho, ngăn ngừa ung thư, điều trị bệnh tiểu đường.