Không chỉ thành công với trang trại dâu tây VietGAP, chị Huyền còn tỏ ra khá mát tay khi trồng giống ổi Đài Loan. Năm 2015, sau khi trồng dâu tây, thấy còn ít đất trống trong vườn, chị Huyền liền mua 120 cây ổi giống Đài Loan về trồng.
Chị Đặng Thị Huyền, tiểu khu 14 (thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng giống ổi Đài Loan từ năm 2015.
“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ bỏ đất hoang thì hơi phí, nên mua ít ổi giống về trồng chơi, chứ không nghĩ loại cây này lại đem lại hiệu quả kinh tế cao đến vậy. Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, vườn ổi sinh trưởng, phát triển tốt. Chỉ sau gần 1 năm trồng, đã bắt đầu cho quả bói. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng thu hơn 200 triệu đồng từ vườn ổi này” – chị Huyền bộc bạch.
Vườn ổi nhà chị Huyền nằm ngay bên cạnh những luống dâu tây đang mùa thu hoạch, quả chín đỏ rực, bắt mắt. Chỉ vào những cây ổi quả sai trĩu cành, chị Huyền hồ hởi khoe: “Sở dĩ vườn ổi của gia đình tôi vào thời điểm này vẫn cho quả sai đến vậy là vì tôi dùng bí quyết “bắt ổi đẻ quả” theo ý mình. Gọi là bí quyết cho oai, chứ thực ra cho ổi ra quả trái vụ. là tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm từ thực tế chăm sóc vườn ổi hàng ngày và tìm hiểu thêm trên mạng internet”.
Vì trồng cây ghép nên chỉ chưa đầy 1 năm, vườn ổi của nhà chị Huyền đã cho quả bói.
Theo chị Huyền, nếu chăm sóc theo cách thông thường, thì giống ổi Đài Loan cho thu hoạch chính vụ vào khoảng tháng 5, tháng 6. Tuy nhiên, thời điểm đó ở Mộc Châu thường mưa nhiều, nếu thu hoạch ổi trong thời gian này, quả ổi không được thơm ngon, ăn nhạt hơn và hay bị sâu đục quả.
Từ thực tiễn đó, thay vì thu hoạch quả ổi vào tháng 5, tháng 6, chị Huyền điều chỉnh cho vườn ổi ra hoa, kết trái để có thể thu quả từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau.
“Vào khoảng tháng 4 hàng năm, khi cây ổi bắt đầu ra quả non, tôi tiến hành vặt bỏ toàn bộ, sau đó cắt tỉa cành, tạo tán, tập trung nuôi cây. Tầm tháng 7, tháng 8, tôi bắt đầu bấm ngọn để kích thích cây ổi ra hoa, kết trái. Tôi thực hiện bấm ngọn toàn bộ số cây ổi trong vườn theo từng đợt, từng lớp từ thấp đến cao, nhằm kích thích cây ổi ra quả theo ý mình. Thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau, quả ổi sẽ ngon ngọt, thơm giòn hơn so với thu hoạch vào tháng 5, tháng 6” – chị Huyền chia sẻ.
Chị Huyền áp dụng kĩ thuật bấm ngọn để kích thích cây ổi ra quả theo ý muốn.
Cũng theo chị Huyền, trồng ổi Đài Loan khá nhàn, chứ không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật như một số cây trồng khác. Chị không sử dụng phân hóa học để bón cho vườn ổi mà chỉ cho chúng “ăn” phân chuồng đã ủ hoai mục. Mỗi năm, chị Huyền bón phân cho vườn ổi 3 lần. Tùy từng thời kì phát triển của cây ổi mà chị điều chỉnh liều lượng phân bón phù hợp.
“Ngoài bón phân với liều lượng hợp lý, tôi còn dành thời gian phát cỏ rồi tấp vào từng gốc ổi để tạo mùn, giữ ẩm cho cây. Vào mùa khô hanh, nắng nóng, tôi tưới nước thường xuyên cho vườn ổi thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ổi nhà tôi trồng là ổi sạch, vì tôi không phun bất kì loại thuốc bảo vệ thực vật nào cả” – chị Huyền bảo vậy.
Mỗi năm, chị Huyền thu hơn 200 triệu đồng từ bán ổi tươi ra thị trường.
Qua bàn tay chăm bón của chị Huyền, vườn ổi 120 gốc của nhà chị sinh trưởng, phát triển tốt, cây nào, cây nấy cũng tràn đầy sức sống, cho nhiều quả. Mỗi năm, chị Huyền bán khoảng 10 tấn ổi trái vụ ra thị trường. Với giá bán ổi dao động từ 20 – 30.000 đồng/kg, mỗi năm chị Huyền cũng thu hơn 200 triệu đồng từ vườn ổi.