Biết được chị Ma Điểm qua một lần đến xã Tu Tra, huyện Đơn Dương năm 2019, phóng viên Báo Dân Việt rất vui mừng được chị mời đến tham quan mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình chị.
Chị Ma Điểm là người dân tộc Churu rất vui tính, năng động và đảm nhận công tác tiếp thị lẫn truyền thông của Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu. Tốt nghiệp ngành Sư phạm Địa Lý của Đại học Sài Gòn và có thời gian làm công nhân của Công ty Đà Lạt Hasfarm nhưng chị Điểm đã về quê hương của mình để làm nông nghiệp.
Chị Ma Điểm bên những luống rau bắp cải hữu cơ của mình.
Dẫn phóng viên đi giữa những luống bắp cải xanh tốt, mập mạp trong khu vườn 2.000m2 của mình, chị Điểm cho biết: “Hiện tại, Tổ hợp tác có khoảng 14 hộ gia đình tham gia với tổng diện tích trên 15.000 m2. Các hộ dân tham gia phải tuân thủ tuyệt đối về quy trình hữu cơ và thường xuyên lấy các mẫu đất, nước và mẫu rau đi xét nghiệm. Điều đặc biệt, các tổ viên sử dụng phân heo, phân bò trộn với vỏ cà phê, thân cây chuối, rơm rạ và ủ trong thời gian 2-3 tháng sau đó bón cho cây trồng”.
Với cách trồng rau hữu cơ đang được Tổ hợp tác áp dụng, ban đầu nhiều người bên ngoài cho là cách trồng rau "lạ đời". Bón phân, chích thuốc định kỳ còn không ăn ai, chứ trồng rau kiểu "lớn đâu thì lớn, sâu ăn còn thì người ăn" như cách làm của Tổ hợp tác thì làm gì có tiền.
Mặc những lời "nói vô nói ra", thành viên Tổ hợp tác vẫn kiên trì theo đuổi mô hình trồng rau hữu cơ. Chị Điểm nhấn mạnh thêm, điều làm nên nét riêng của Tổ hợp tác là khô dụng sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nếu có sâu xuất hiện trên rau, người trồng sẽ tiến hành bắt bằng tay hoặc dùng chế phẩm sinh học.
Toàn bộ rau của những người dân tộc Churu trong tổ hợp tác được trồng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Giới thiệu chị Ma Đậm (34 tuổi, người dân tộc Churu, xã Tu Tra) Tổ trưởng tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu, một người làm nông nghiệp rất giỏi trong tổ hợp tác cho phóng viên, chị Điểm chỉ những luống cà rốt nói “các anh nhìn rau là thấy rồi đó, rất xanh tốt và sạch, chị ấy làm rau phải nói là giỏi nhất tổ”.
Nhổ những củ cà rốt trong vườn của mình lên chị Đậm cho biết: “Trước năm 2016, gia đình mình, người Churu mình cũng sống bằng nghề trồng rau. Tuy nhiên, ở địa phương có quá nhiều người trồng mà lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, từ năm 2016, mình đã chuyển hướng làm nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 1.000m2. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt nên tôi đã tập trung vào cải tạo đất bài bản và cùng với các phụ nữ khác trong thôn lập ra Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu”.
Chị Ma Đậm là người đầu tiên phối hợp với tổ chức Caritas Đà Lạt để thành lập tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu.
Chị Ma Đậm cho hay, thời gian ban đầu, do cách làm mới lại không sử dụng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất rau khá thấp, mẫu mã không đẹp, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên cả Tổ hợp tác còn “vất vả”.
Đến nay, sau nhiều nỗ lực giới thiệu, quảng bá các sản phẩn sạch của tổ hợp tác, chị Đậm, chị Điểm và các tổ viên khác đã được thị trường đón nhận. Trung bình, mỗi tháng, Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu cung cấp cho thị trường từ 1,2 - 1,5 tấn rau, củ hữu cơ các loại với giá từ 20.000 - 35.000 đồng/kg. Trong đó, rau xà lách, củ cà rốt được bán với giá 35.000 đồng/kg. Đặc biệt rau bên ngoài lúc bán đắt, lúc bán rẻ mặc kệ, rau hữu cơ của Tổ hợp tác không bị tác động bởi giá thị trường vì khách hàng đặt tiêu thụ cố định 12 tháng.
Mỗi tháng, Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu cung cấp cho thị trường từ 1,2 - 1,5 tấn rau các loại với giá từ 20.000 - 35.000 đồng/kg.
“Hiện nay, nhận thấy sự hiệu quả của việc canh tác rau hữu cơ nên nhiều người dân địa phương đã ngỏ ý muốn gia nhập Tổ hợp tác, tuy nhiên chúng tôi đang hướng dẫn thực hiện các điều kiện bắt buộc. Trong năm 2020, Tổ hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và hướng đến khuyến khích các bạn trẻ tham gia”, chị Ma Đậm cho hay.
Theo ông Đinh Văn Hoàng - Phó chủ tịch UBND xã Tu Tra, mô hình canh tác rau của Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu là cách làm hay, rất tiến bộ. Trong năm 2019, cán bộ nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng nhiều lần về tập huấn cách sản xuất và ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất hữu cơ cho các tổ viên của Iem Goh Churu để nâng cao hiệu quả hơn nữa.