Hiện vườn nhà ông Thức trồng chuyên canh sầu riêng giống Ri-6/diện tích gần 1ha. Năm nay, vườn sầu riêng cho thu hoạch khoảng 14 tấn trái. Chi phí vật tư nông nghiệp chăm sóc vườn cây cây sầu riêng của ông Thức rất ít (chỉ khoảng 30 triệu đồng/vụ).
Ông Thức chia sẻ, tiết kiệm được chi phí “đầu vào” là do ông đã nắm được các nguyên tắc xử lý và chăm sóc cây sầu riêng trong từng thời kỳ sinh trưởng cũng như xử lý cho ra hoa, kết quả cho đến khi thu hoạch. Mỗi giai đoạn của cây, ông Thức sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thích hợp và đúng liều lượng… nên tiết kiệm được chi phí.
Ông Thức kể, khi bắt đầu làm vườn ông trồng xen canh, đa canh nhiều loại cây, nhưng hiệu quả không cao. Cuối cùng, ông Thức chọn cây sầu riêng giống Ri-6 làm cây chủ lực. Gần 10 công vườn sầu riêng chỉ một mình ông Thức chăm sóc, không cần thuê thêm người làm dù là cán bộ khuyến nông xã ông còn phải dành thời gian lo việc tập huấn cho nông dân.
Ông Thức cho biết, nông dân ở đây trồng sầu riêng đa phần năng suất tăng đều mỗi năm, năm sau cao hơn năm trước. Riêng vườn sầu riêng nhà ông Thức, năm 2016 chỉ thu hoạch được khoảng 8 tấn/ha, nhưng năm nay cao hơn gần gấp đôi và bán được giá.
Nói về khó khăn trong trồng sầu riêng, theo ông Thức, cây sầu riêng rất “khó tính”, nhạy với thời tiết nên yếu tố thời tiết rất quan trọng. Có những lúc tưởng chừng vườn cây sẽ cho năng suất cao, song chỉ cần một cơn mưa thất thường đổ xuống cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cho trái. Như đợt vừa rồi, do trời mưa cây sầu riêng không ra hoa, bà con trồng sầu riêng ai cũng lo lắng…
Là cán bộ khuyến nông xã, ông Thức được bà con nông dân trong xã tin tưởng. Nhiều hộ được ông Thức hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao. Nhiều người học tập mô hình của ông Thức.