LỢI KÉP TỪ TRỒNG TIÊU KẾT HỢP NUÔI DÊ
Hơn 2 năm trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Thị Kiên, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú (TX Bình Long, tỉnh Bình Phước) đã đầu tư chuồng trại, giống, vốn để nuôi dê. Chỉ có 8 con dê nái nhưng trung bình mỗi năm gia đình chị xuất chuồng khoảng 40 con dê thịt.
Kỹ sư Phạm Duy Hân, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh hướng dẫn ông Lê Quang Trung, ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp kỹ thuật ủ cỏ dự trữ thức ăn cho dê trong giai đoạn mùa khô.
Hiện nay, đàn dê nhà chị còn khoảng 30 con, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Từ cuối năm 2019 đến nay, giá dê thương phẩm ở mức từ 120-130 ngàn đồng/kg nên người nuôi rất phấn khởi. Chị Kiên chia sẻ, hằng ngày tranh thủ lúc rảnh rỗi, vợ chồng chị vào các vườn tiêu của người dân trong ấp xin chặt cành keo lai về cho dê ăn.
Trong vườn tiêu nhà chị cũng trồng được hơn 1 sào cỏ VA06 làm nguồn thức ăn ổn định cho dê. Chị mua thêm bột bắp hòa với nước và muối cho dê uống. Nhờ vậy, đàn dê luôn khỏe mạnh, nhanh lớn.
Kỹ sư Phạm Duy Hân, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh hướng dẫn ông Lê Quang Trung, ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp kỹ thuật ủ cỏ dự trữ thức ăn cho dê trong giai đoạn mùa khô
Tận dụng lá cây keo lai trong vườn tiêu, gia đình ông Ngô Đức Nhật ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) cũng nuôi 35 con dê, trong đó có 20 con dê nái. Năm 2019, gia đình ông xuất chuồng 50 con dê thịt, thu khoảng 150 triệu đồng. |
Trước đây khi chưa nuôi dê, hằng tháng gia đình ông phải thuê người chặt bỏ những cành keo lai ở trụ tiêu, nhằm đáp ứng độ sáng cho tiêu sinh trưởng phát triển, giờ tận dụng cành keo lai làm thức ăn cho dê.
Chỉ là nghề phụ nhưng trong thời điểm giá tiêu xuống thấp thì nuôi dê mang lại nguồn thu không nhỏ và còn cung cấp lượng phân bón hữu cơ, giúp giảm chi phí phân bón chăm sóc cây tiêu.
Ông Nhật cho biết, gia đình ông nuôi dê được hơn 5 năm. Nuôi dê dễ hơn nuôi bò, giá cả ổn định, dễ bán và nhanh thu hồi vốn. Dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 6-8 tháng.
Thời điểm này dê đạt trọng lượng 25-30kg/con. Trung bình 1 năm dê đẻ 4-6 con. Để có thức ăn ổn định cho dê, gia đình ông trồng 2 ha tiêu bằng cây trụ sống gồm cả cây keo và cây cẩm.
CHỦ ĐỘNG CHĂM SÓC, PHÒNG BỆNH CHO DÊ
Là một trong những hộ tiên phong trồng tiêu nuôi dê ở Lộc Ninh, 12 năm trước, trong chuồng nhà ông Lê Quang Trung ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp lúc nào cũng có khoảng vài chục con dê. Khi tiêu có giá cao thì nuôi dê chỉ là phụ. Vậy mà 3 năm trở lại đây, vườn tiêu nhà ông đột nhiên chết hàng loạt, hạt tiêu lại liên tục rớt giá, ông chuyển qua trồng cỏ và tăng đàn dê.
Hiện nhà ông Trung có 50 con dê, trong đó 35 con dê nái, trung bình 1 năm ông xuất chuồng trên 100 con dê thịt, thu gần 300 triệu đồng. Theo ông Trung, nuôi dê chỉ tốn công, ít hao hụt, lại không tốn tiền mua thức ăn, phân dê đủ để bón cho 1.500 nọc tiêu còn lại của gia đình. Trong lúc tiêu rớt giá, dê trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình ông.
Để đàn dê sinh trưởng phát triển tốt, ông chú trọng phòng bệnh, mỗi tháng cho dê uống thuốc giải độc 1 lần nhằm tăng sức đề kháng. Chuồng nuôi phải cao ráo, đủ ánh sáng, sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát vào mùa khô và ấm áp vào mùa mưa. Ông Trung cho rằng, nuôi dê quan trọng nhất là con giống. Những con có bầu sữa to, chân sau vuông với thân sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Dê là loài ăn tạp, gần như mọi lá cây, cỏ, chuối và tất cả phụ phẩm nông nghiệp đều có thể làm thức ăn nên rất dễ nuôi, lại nhẹ công chăm sóc. Dê ít bệnh, sức đề kháng cao, rất phù hợp với những hộ ít vốn.
Kỹ sư Phạm Duy Hân, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh khuyến cáo: Đang là mùa khô, bà con phải chuẩn bị thức ăn cho dê đầy đủ, nên trồng thêm cỏ, nếu dư thừa thì ủ chua hoặc ủ xanh để dự trữ thức ăn cho dê khi cần thiết.
"Những loại thức ăn cho dê phổ biến nhất hiện nay là lá cây các loại, các loại cỏ, đậu, rau củ, thức ăn có tinh bột như khoai, sắn, bắp, bã đậu và thức ăn hỗn hợp công nghiệp. Trong đó, thức ăn thô xanh chiếm hơn 70% trong tổng nguồn thức ăn của dê. Ngoài ra, người nuôi cũng nên bổ sung các loại khoáng chất và vitamin cho dê tăng sức đề kháng và phát triển tốt...", kỹ sư Phạm Duy Hậu. |