Mở cửa cho du lịch Phú Quốc là một một thách thức không nhỏ, giải được bài toán này cũng sẽ là bài học lớn cho ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị bước sang thời kỳ sống chung với dịch.
Du lịch sống chung thế nào với dịch
Thông tin Phú Quốc được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 10 năm nay đã thổi bùng lên nguồn hy vọng hồi sinh mãnh liệt của ngành du lịch khi phải đương đầu với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Qua 3 đợt bùng phát lớn, dập dịch lại kích cầu du lịch, hết ON (bật) rồi OFF (tắt) nhiều lần, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã rút ra được nhiều bài học.
Giờ là lúc ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế khác cần xác định phải sống chung với dịch, nhưng bằng cách nào và như thế nào qua câu chuyện từ mô hình Phú Quốc?
Tại Tọa đàm trực tuyến “Hộ chiếu vắc xin và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ” mới đây, GS, TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng, khái niệm “sống chung với dịch” cần được hiểu là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hay nói cách khác, chúng ta vẫn phải kiểm soát được dịch.
Để thu hút khách quốc tế, cần rút ngắn trình tự, thủ tục nhập cảnh |
Vì vậy, việc mở cửa ngành dịch vụ như du lịch phải làm thận trọng, an toàn, mở cửa đến đâu phải đảm bảo an toàn đến đó. Phú Quốc sẽ là mô hình để các các địa phương khác nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc khôi phục du lịch theo tiêu chí hộ chiếu vắc xin, hay còn gọi là thẻ xanh vắc xin, thẻ xanh Covid dành cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc bị nhiễm và đã khỏi bệnh.
Theo kế hoạch, Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin trong 6 tháng. Dự kiến, có khoảng 40 chuyến bay/tháng, tương đương 25.000 đến 40.000 lượt khách.
Theo ông Nguyễn Đạo Dũng, đại diện Tổng cục Du lịch, để đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, có hai vấn đề: Thứ nhất, chính quyền địa phương cần tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn điểm đến, nâng cao năng lực y tế; thứ hai, lựa chọn doanh nghiệp lữ hành với tiêu chí cao để đề xuất, thí điểm đón khách.
Thách thức đặt ra cho Phú Quốc
Trong bối cảnh sống chung với dịch, vừa chống dịch vừa làm kinh tế, có ba vấn đề đặt ra cho việc mở cửa du lịch Phú Quốc là: miễn dịch cộng đồng; giải quyết các thủ tục công nhận hộ chiếu vắc xin, kiểm soát dịch tễ đối với khách quốc tế và khôi phục thị trường khách nội địa.
Tính đến thời điểm hiện nay, Phú Quốc đã tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 cho công dân (từ 18 tuổi trở lên) được gần 37.000 liều, đạt 35% và mũi 2 gần 8.000 liều, đạt hơn 6% dân số. Phú Quốc cần khoảng 300.000 liều vắc xin nữa tiêm cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Phú Quốc mới đạt tỷ lệ 35% người dân tiêm vắc xin mũi 1 |
Về hộ chiếu vắc xin theo đường không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết mỗi quốc gia trên thế giới sử dụng một ứng dụng (app) khác nhau. Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang dùng app AITA Travel Pass mà gần 200 hãng hàng không và 80 quốc gia trên thế giới sử dụng để liên kết cung cấp dịch vụ hàng không. Ngoài ra, một số quốc gia như Tây Ban Nha, Anh hay Mỹ cũng không sử dụng app này mà họ có app riêng của châu Âu hay Mỹ.
Còn về kiểm soát dịch tễ trong lãnh thổ, Việt Nam hiện có rất nhiều app khai báo y tế, theo dõi sức khỏe khác nhau nên cần có một app thống nhất, sử dụng cho người dân hoặc cho cả khách quốc tế theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ngay cả ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (Vietnam Safe Travel) của Tổng cục Du lịch cũng đang liên kết với app Hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế - vốn dành cho người Việt và không có tiếng Anh.
Rõ ràng, Việt Nam cần có một app chung kết nối tất cả mọi ứng dụng hiện hữu khác, tích hợp đủ thông tin cần thiết để sử dụng cho đi lại trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề của toàn thế giới, cần giải quyết trước mắt và lâu dài trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn quy định khắt khe hơn các quốc gia khác khi yêu cầu khách nhập cảnh cách ly tập trung, còn một số nước cho phép cách ly tại nhà.
Vì vậy, để thu hút khách quốc tế, cần rút ngắn trình tự, thủ tục nhập cảnh. Muốn Chính phủ yên tâm cắt giảm các thủ tục này thì các địa phương trọng điểm kinh tế, du lịch cần đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Hiện mới có khoảng 6 tỉnh/thành phố đáp ứng được yêu cầu.
Còn xét góc độ nhu cầu du lịch trong nước, thị trường khách lớn nhất hiện nay như TP.HCM đang nỗ lực kiềm chế làn sóng dịch thứ tư suốt từ tháng 5 đến nay, chưa thể áp dụng thẻ xanh Covid. Riêng Hà Nội và Đà Nẵng đang thận trọng, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, vừa kiểm soát dịch vừa phát triển kinh tế. Nếu tiêm đủ vắc xin hai mũi cho 70% dân số trong hai tháng tới, các địa phương này mới có thể lên phương án lâu dài sống chung với dịch.
Do vậy, nếu vắc xin chưa đủ cho tất cả chúng ta, có thể thực hiên ON từng bước, tại những vùng an toàn trước, ví như làm thí điểm tại Phú Quốc và chờ đợi vắc xin cho các nơi khác. Chúng ta buộc phải sống chung với Covid, nếu cứ ON rồi OFF đồng loạt cả nước, cả vùng theo mỗi trận dịch, doanh nghiệp du lịch cũng không thể tính toán được kế hoạch gì cho tương lai.
Nguyễn Đức Chí(chuyên gia du lịch)