Chiến tranh đồng nghĩa với việc tính mạng và xương máu của không biết bao nhiêu người sẽ phải đổ xuống. Nhưng điều này có thể không còn đúng nữa, khi trong tương lai, máy móc sẽ thay thế cho con người trong mặt trận đầy hiểm nguy này.
Trên thực tế, các robot cũng đã dần góp mặt trong quân sự, nhưng chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực. Đó là các máy bay do thám, các robot dò gỡ mìn cùng vô số các robot khác đang vận hành ở bộ phận hậu cần. Nhưng liệu có khả năng chúng sẽ cầm súng và chiến đấu thay thế cho con người hay không?
Có – đó là câu trả lời của tướng Robert Cone, người lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ. Và ông cũng cho rằng, chỉ tới năm 2030, robot sẽ thay thế ít nhất là ¼ lực lượng quân đội Hoa Kỳ. Đó là một trong những bước trọng yếu trong công cuộc tạo ra một lực lượng tinh giản, hiệu quả và giàu sức chiến đấu. Đại tướng Cone cho biết, số lượng binh sĩ trong một lữ đoàn có thể được tinh giản từ 4000 xuống 3000, nếu Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng sự phát triển máy móc và công nghệ trong quân đội.
Đây là một nhu cầu ngày càng trở nên cấp thiết. Chiến tranh luôn buộc các bên tham chiến phải trả một cái giá không nhỏ. Các thương vong về người không chỉ là một cú shock tinh thần khủng khiếp, nó còn là thiệt hại khổng lồ về mặt kinh tế: đó là chi phí huấn luyện, ăn uống, các nhu yếu phẩm… khi trận chiến đang diễn ra. Và khi cuộc chiến đã kết thúc, việc dọn dẹp tàn cục cũng không hề dễ chịu chút nào, khi tính đến các chi phí bỏ ra cho các chương trình phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho thương binh, cũng như các chi phí về y tế. Những tờ hóa đơn sẽ cứ liên tiếp chồng chất lên nhau trong vô vọng.
Tới năm 2005, robot đã lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường khi quân Mỹ tham chiến tại Iraq. Được vũ trang bằng các loại vũ khí nhẹ, đồng thời sở hữu tính cơ động khá cao, tuy nhiên, chúng chỉ được sử dụng tại một số vị trí cố định, với vai trò là tuyến phòng thủ vòng ngoài.
Quân đội Mỹ vẫn chưa chính thức đồng thuận với quan điểm cho phép robot tự động khai hỏa mà không cần chờ ý kiến người điều khiển. Quyết định sử dụng vũ khí có thể gây chết người bắt buộc phải do con người đưa ra. Chính vì lý do đó, họ tiếp tục phát triển những cỗ máy điều khiển từ xa – chúng sẽ được trang bị đầy đủ mọi loại vũ khí, đồng thời được điều khiển bởi giọng nói và cử chỉ của con người.
Rào cản duy nhất ở đây là chi phí – một cỗ máy như vậy có thể ngốn từ 300,000 đến 500,000 USD. Sản xuất hàng loạt và đưa nó vào các trận chiến thực sự có thể tiêu tốn một lượng ngân sách cực lớn. Nhưng không thể không chỉ ra những thuận lợi của những cỗ máy chiến tranh này: không chỉ giúp binh lính tránh khỏi những tổn thương thực thể, nó còn giúp họ không phải chịu đựng các stress gây ra sau một tour du lịch quanh chiến trường.
Đối với các thế hệ robot được điều khiển bởi binh lính trực tiếp tham chiến, các nhà khoa học đang phát triển chúng theo xu hướng hỗ trợ tối đa cho binh lính. Thay vì việc phải mang theo những thứ hành trang quá nặng nề và lỉnh kỉnh, giờ đây, “các thế hệ robot này sẽ có khả năng giúp binh lính mang theo khối lượng hành trang lên tới 180 kg. Chúng sẽ theo chân binh lính trên suốt các chặng hành quân hiểm trở, đồng thời tương tác với họ theo một cách tự nhiên và thân thiện nhất có thể, giống như chó với chủ vậy” – phát ngôn chính thức từ Cục nghiên cứu quốc phòng cao cấp Hoa Kỳ cho biết.
Cùng lúc đó, các nhà khoa học tại đại học Johns Hopkins đang tiếp tục phát triển thế hệ robot gỡ mìn kế cận. Bằng cách phát triển các công nghệ cảm biến siêu nhạy, cùng hệ thống dẫn truyền hình ảnh, chuyên gia gỡ bom mìn giờ đây đã có thể yên tâm điều khiển những cánh tay robot này thực hiện thao tác dò và gỡ mìn, mà không phải lo sợ về việc quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào.