Theo World Bank, tuổi kỳ vọng sống của Việt Nam sau khi rơi xuống đáy vào năm 1972 (thời điểm trung bình người Việt chỉ sống chưa đến 59 tuổi) thì đang tăng dần đều cho đến nay.
Tính đến dữ liệu được công bố gần nhất vào năm 2016, kỳ vọng sống của người Việt Nam đang là 76 tuổi, ngang với người Trung Quốc (76) và thậm chí đang cao hơn người Nga (75).
Trong khu vực Đông Nam Á, độ tuổi kỳ vọng sống của người Việt Nam xếp thứ ba. Đứng đầu là Singapore (83) - quốc gia này bỏ xa khá nhiều so với khu vực. Brunei (77) đứng thứ hai. Sau Việt Nam là Thái Lan (75), Malaysia (75), Indonesia (69), Philippines (69), Timor - Leste (69), Campuchia (69), Myanmar (67) và Lào (67).
Kỳ vọng sống toàn cầu đã có sự cải thiện đáng kể trong vài thập kỷ trở lại đây. Năm 1960, người dân trên toàn cầu trung bình không vượt qua được ngưỡng tuổi 53, đến nay con số này đã được tăng lên 72 tuổi.
Người Nhật ngày nay được kỳ vọng sẽ sống tới hơn 84 tuổi. Người dân Okinawa, Nhật Bản sống lâu hơn bất kỳ người dân ở nơi nào khác trên thế giới. Bí quyết dường như nằm ở chế độ ăn ít béo, ít muối, nhiều rau và nhiều cá của họ.
5 quốc gia có kỳ vọng sống thấp nhất thế giới đều ở châu Phi.
Dự báo về kỳ vọng sống không hề đơn giản. Các nhà nhân khẩu học sử dụng dữ liệu về tỷ lệ tử vong kết hợp với thông tin về nguyên nhân và thời điểm tử vong để ước tính tuổi thọ của những người còn sống. Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác hầu như đưa ra các dự báo định kỳ tương đối giống nhau.
Các quốc gia giàu có như Nhật Bản, Thụy Sĩ và Úc có tuổi thọ cao nhất, mặc dù các ước tính sẽ thay đổi một chút tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng. Thống kê của World Bank cho thấy, lần lượt các quốc gia từ thu nhập cao, trung bình cao, trung bình, trung bình thấp và thấp có kỳ vọng sống giảm dần theo thứ tự.
Một nghiên cứu mới về kỳ vọng sống ở 35 quốc gia giàu thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn và WHO, và được công bố trên tạp chí y khoa Lancet đã sử dụng kết hợp 21 mô hình thống kê, thay vì chỉ một mô hình. Các kết quả tìm được khá thú vị.
Đến năm 2030, các nhà nghiên cứu cho rằng, Hàn Quốc sẽ chứng kiến sự tăng trưởng lớn nhất về tuổi thọ kỳ vọng với cả nam và nữ, họ sẽ vượt qua Nhật Bản và vươn lên dẫn đầu. Một cô gái Hàn Quốc sinh năm 2030 có khả năng sẽ sống đến năm 2120. Còn đàn ông Hàn Quốc dự kiến sống hơn 84 tuổi, thấp hơn phụ nữ nhưng đã vượt qua 18 quốc gia khác để đứng đầu bảng xếp hạng.
GDP bình quân đầu người đã tăng cao hơn 20 lần so với năm 1960. Trong khi Mỹ và Anh chỉ tăng được 3 lần. Những lợi ích kinh tế đã cải thiện sức khỏe quốc dân. Năm 1985 tuổi thọ ở Hàn Quốc thấp hơn 4 tuổi so với người Mỹ ở cả hai giới. Đến năm 2010, đàn ông Hàn Quốc đã sống lâu tương đương đàn ông Mỹ, phụ nữ Hàn đã rút ngắn khoảng cách tuổi thọ với phụ nữ Mỹ xuống còn 3 tuổi. Những lý do chính bao gồm sự giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ em, tử vong do nhiễm trùng và tử vong do các bệnh liên quan đến huyết áp cao, bao gồm bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tỷ lệ người Hàn Quốc bị cao huyết áp là thấp nhất trên thế giới. Rất ít người Hàn Quốc bị béo phì, ít bệnh mãn tính, bao gồm tiểu đường, bệnh tim và ung thư. Tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ rất thấp.
Các quốc gia khác cũng đang cải thiện kỳ vọng sống nhờ những lý do tương tự. Rất ít phụ nữ ở Pháp và Thụy Sĩ bị béo phì. New Zealand, Úc và Canada có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tử vong do tai nạn giao thông thấp. Họ cũng làm rất tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tim và ung thư.
Thụy Điển và Nhật Bản cũng có thể gia tăng kỳ vọng sống, dù họ khó có thể tăng quá nhiều vì đã xếp đầu bảng.