Vợ chồng anh chị Tú Vy sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, quanh năm vất vả làm ruộng, chăn nuôi mà vẫn nghèo khó. Địa hình đất đai của gia đình chủ yếu là đồi dốc, khó khăn cho sản xuất nông lâm nghiệp.
Những năm đầu đất còn màu mỡ, chỗ đồi thấp anh chị Tú Vy trồng ngô để chăn nuôi, đồi cao trồng cây lâm nghiệp. Rồi anh chị chuyển đổi đồi thấp có độ dốc vừa phải trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả không cao.
Chị Vy (bên trái) đang hái những bông hoa hồng cổ để làm trà hoa hồng bán với giá 500.000 đồng/kg.
Năm 2015, có dịp lên Sa Pa tham quan và thấy cây hoa hồng cổ Sa Pa trồng trên đồi mà cây sinh trưởng phát triển tốt, bông hoa hồng to, màu hoa hồng cổ đẹp, hoa hồng cổ nở lâu tàn, hai anh chị bàn bạc với nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mua giống hoa hồng cổ Sa Pa về trồng.
Tâm sự với chúng tôi, chị Vy kể, nghĩ lại thấy hai vợ chồng thật liều. Kinh nghiệm trồng hoa hồng, kỹ thuật trồng hoa hồng không có, vốn cũng không, vậy mà anh chị quyết đi vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để đầu tư mua 1.000 gốc hồng cổ Sa Pa về trồng.
Lúc đó, số tiền 200 triệu đồng với người nông dân đó là cả một gia tài lớn. Tiền vốn ít, anh chị lấy công làm lãi, tự thu gom phân chuồng, rơm rạ... ủ hoai mục để trồng hoa hồng cổ Sa Pa. Vì không có kinh nghiệm chăm sóc hoa hồng nên trong số 1.000 gốc hoa hồng cổ Sa Pa mua về bị chết gần 300 gốc hồng làm hai vợ chồng thấy nản, nghĩ mô hình trồng hoa hồng cổ không thể thực hiện được ở Bảo Thắng.
Nhưng nghĩ đến số tiền đang vay mượn và số công sức bỏ ra, anh chị quyết tâm phải thực hiện thành công mô hình trồng hoa hồng cổ Sa Pa.
Anh Tú liền đi Sa Pa học cách chăm sóc hoa hồng, rồi nghiên cứu trên sách báo và các lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa hồng, tham gia nhóm sinh vật cảnh tỉnh Lào Cai, hội trồng hoa hồng không thuốc...
Anh chị nghiên cứu về cách trồng hoa hồng cổ một cách đam mê, vào các hội vừa học hỏi, chia sẻ được kinh nghiệm trồng hoa hồng cổ, vừa mua bán được những giống hoa hồng "độc", lạ.
Với sự kiên trì của anh chị, những bông hoa hồng cổ Sa Pa đã khoe sắc rực rỡ tại đất Sơn Hải, huyện Bảo Thắng. Đến thăm anh chị vào những ngày đầu xuân tôi cũng không thể nghĩ được ngay tại Bảo Thắng lại có những vườn hoa hồng cổ Sa Pa đẹp đến thế.
Chị Vy chia sẻ sau trồng 3 năm anh chị đã thu được tiền bán hoa hồng (bán cây giống hoa hồng và trà hoa hồng). Năm ngoái anh chị bán được hơn 3.000 bầu cây hồng cổ Sa Pa chiết, mỗi bầu bán với giá 30.000 đồng, chủ yếu bán giống hoa hồng cổ cho các nhà vườn huyện Sa Pa và các khách lẻ trong và ngoài tỉnh Lào Cai.
Ngoài ra những cây hoa hồng cổ Sa Pa anh chị đã trồng lâu năm giá bán từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/cây. Những cây hoa hồng cổ Sa Pa chiết ra ngôi vào bầu thì bán từ 150-200.000 đồng/cây. Hoa hồng anh chị trồng hoàn toàn chăm sóc theo hướng hữu cơ không sử dụng bất cứ loại phân, thuốc hóa học nào, hoa hồng nở anh chị hái sấy làm trà hoa hồng bán 500.000 đồng/kg. Với gần 1.000 gốc hoa hồng cổ Sa Pa mỗi lứa hái được hàng tạ hoa.
Nhìn thành quả của anh chị, những bông hoa hồng cổ Sa Pa thơm ngát tỏa hương thơm cho đời, thu được hàng trăm triệu đồng/năm, tôi thầm nghĩ chính hướng đi mới và khác biệt với các hộ trong thôn xã, đã giúp anh chị khởi nghiệp thành công. Từ mô hình trồng hoa hồng cổ Sa Pa này, hy vọng sẽ lan tỏa sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm đến những người dân để cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. |