Dù phần lớn giao dịch và kết phiên trong sắc xanh nhưng cả hai chỉ số đều đồng loạt quay đầu giảm đầu phiên chiều do áp lực chốt lời ở một số mã cổ phiếu. VN-Index đã có thời điểm rơi xuống 1.124 điểm và nhích lên 1.126,3 điểm (+2,88 điểm) vào cuối phiên chiều. HNX-Index cũng có một cú tuột dốc mạnh về 127,56 điểm nhưng chỉ số đã bật tăng trong phiên ATC, trở lại 129 điểm vào cuối phiên.
Thị trường phân hóa với 115 mã tăng điểm và 163 mã giảm điểm trên HoSE. Thanh khoản trên cả hai sàn đạt hơn 8.500 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng giao dịch thỏa thuận trên sàn TP HCM, giá trị cổ phiếu chuyển nhượng trong phiên đạt hơn 1.540 tỷ đồng. Chỉ riêng PDR đã có gần 7,8 triệu cổ phiếu mua bán thỏa thuận giá đỏ, tổng giá trị 370 tỷ đồng. Ngoài ra, một số giao dịch lớn như các giao dịch 4,66 triệu cổ phiếu VRE (261 tỷ đồng) và 2,98 triệu cổ phiếu NVL với giá trị 237 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hơn 825.000 cổ phiếu VPB được sang tay giá trần (68.300 đồng/cp), cao hơn 5.400 đồng so với giá khớp lệnh đóng cửa. Nhiều khả năng đây là giao dịch của khối ngoại khi đây là một trong các cổ phiếu được NĐTNN chú ý nhưng lại bị hạn chế về room.
Trụ đỡ chính của thị trường phiên nay đến từ cổ phiếu GAS (tăng 4.200 đồng) và cổ phiếu ba ngân hàng có vốn nhà nước là BID (tăng 3,62%), CTG (tăng 3,24%), VCB (tăng 1,41%). EIB cũng bất ngờ tăng kịch trần phiên hôm nay sau khi giữ xu hướng giảm sau thông tin tiêu cực liên quan đến khoản tiền gửi khách hàng tại nhà băng này. Cổ phiếu ngân hàng cũng là nhân tố chính đẩy tăng HNX-Index ngày hôm nay với ACB tăng 3,56% còn SHB cũng tăng 2,42%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC của Vingroup giảm 3.500 đồng xuống mức 100.000 đồng/cp. Đây cũng chính là cổ phiếu khiến VN-Index giảm mạnh nhất phiên hôm nay. Trong khi đó, tội đồ kéo giảm đà tăng của HNX-Index lại là VCS. Cổ phiếu này cũng đã có tăng mạnh 13% kể từ đầu tháng 2 nhưng giảm 2.500 đồng (-1%) trong phiên nay.
~~~~
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 12/3, VN-Index vẫn tăng 7,52 điểm nhưng đã về dưới mức 1.131 điểm. Thời điểm giữa buổi sáng, đã có lúc VN-Index trở lại được mốc 1.135 điểm tuy nhiên nhiều cổ phiếu giảm điểm đã kéo giảm sau đó. Ngược lại hoàn toàn, HNX-Index vẫn tăng 1,57 điểm lên 129,15 điểm nhờ trụ đỡ là cổ phiếu dòng ngân hàng.
Thanh khoản trên hai sàn đạt gần 4.300 tỷ đồng, trong đó riêng thỏa thuận trên HoSE là 425 tỷ đồng. Đã có tổng cộng 2,55 triệu cổ phiếu NVL được sang tay với giá 79.000 đồng, thấp hơn 1.600 đồng so với đóng cửa khớp lệnh phiên sáng, giá trị chiếm gần một nửa giao dịch thỏa thuận.
VIC sau nhiều phiên tăng điểm đã có lúc giảm hơn 3.000 đồng trong phiên sáng nay và hiện đóng cửa ở mức 101.000 (giảm 2.500 đồng). BMP cũng ghi nhận phiên giảm điểm thứ 8 liên tiếp và giảm tới 3.900 đồng đóng cửa sáng 12/3. Trên HNX, cổ phiếu APC của Chiếu xạ An Phú cũng đã giảm kịch sàn đến nay là phiên thứ 4 do những thông tin không mấy tích cực dự kiến được trình tại ĐHĐCĐ(Xem thêm).
Dù lượng cổ phiếu giảm điểm cao áp đảo nhưng VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhờ các lực đỡ chính là cổ phiếu vốn hóa lớn và dòng ngân hàng. ACB, LPB hay BID, CTG đều đồng loạt tăng trên 3%. Tuy nhiên, VPB, VIB lại giảm.
Đứng đầu về giá trị giao dịch trong phiên sáng nay là STB với 12,6 triệu cổ phiếu sang tay, trong đó riêng nước ngoài mua ròng hơn 1,1 triệu cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng có giao dịch lớn như CTG, MBB, VPB...
~~~~~~~~~~~~~
Đúng 11 năm kể từ khi VN-Index đạt mức đỉnh lịch sử 1.170 điểm, chỉ số sàn TP HCM đang tiến sát mức đỉnh cũ hơn bao giờ hết. Thị trường hưng phấn ngay từ đầu phiên ATO, VN-Index tăng hơn 12 điểm lên 1.135,48 điểm, vượt đỉnh ngắn hạn nhưng vẫn còn cách đỉnh lịch sử gần 35 điểm. Trên HNX, tính đến thời điểm 9h30, chỉ số sàn này cũng đã tăng trên 1%. Cụ thể, HNX-Index tăng 1,37 điểm lên 128,95 điểm.
Thị trường phân hóa mạnh mẽ. Dòng ngân hàng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của thị trường đồng thời thu hút lượng lớn giao dịch trên sàn. Trong vòng 45 phút đầu tiên của phiên giao dịch, tổng cộng đã có 1,88 triệu cổ phiếu ACB được sang tay. SHB, CTG giao dịch lần lượt 1,26 triệu cổ phiếu và 1,05 triệu cổ phiếu.
Tính đến 9h45, ACB tăng 1.600 đồng (3,42%), CTG tăng 900 đồng (2,78%), MBB tăng 400 đồng, LPB tăng 700 đồng (4,49%) ,VCB tăng 700 đồng (0,99%)... Cổ phiếu EIB sau nhiều ngày giảm giá cũng đã tăng 250 đồng (1,75%). Riêng VPB ngược dòng giảm 400 đồng về 63.500 đồng/cp dù nhà băng này mới đây đã công bố kế hoạch kinh doanh với tăng trưởng lợi nhuận cùng quy mô vốn khá ấn tượng.
Thị trường khá phân hóa khi số mã cổ phiếu thăng không chiếm tỷ trọng quá áp đảo. Tuy nhiên, phần lớn các cổ phiếu có vốn hóa lớn ảnh hưởng đến thị trường đều tăng như VNM tăng 500 đồng, SAB tăng 600 đồng,.. Cổ phiếu dầu khí cũng được hưởng lợi từ thông tin tích cực về diễn biến giá dầu Brent cuối tuần qua (tăng vọt gần 3%). GAS hiện đã tăng 2.500 đồng lên 114.500 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu dòng P khác cũng tăng như PVS tăng 400 đồng, PVD tăng 300 đồng.
SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục thử thách các mức đỉnh cũ của các chỉ số chính. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật, nhịp rung lắc có thể sẽ diễn ra, nhưng các chỉ số vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và có khả năng sẽ vượt được vùng đỉnh cũ. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ chờ đợi về các phiên cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF cho nên thanh khoản có thể sẽ tăng dần về các phiên giao dịch cuối tuần. Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ ở mức 1058,65 điểm của chỉ số VN30 và 122,19 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, khuyến nghị được đưa ra là các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Đồng thời, chiến lược đầu tư ngược với các quỹ ETF cũng được xem là chiến lược hiệu quả trong các kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Trong trung hạn, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu theo mức khuyến nghị và ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu Largecaps vẫn duy trì xu hướng tăng. |