Vẫn chưa rõ liệu Venezuela có thực sự sớm tăng sản lượng dầu hay không.
Theo chuyên gia David Mares thuộc đại học California San Diego, việc thuyết phục các quốc gia khác sản xuất nhiều dầu hơn là cách duy nhất để Mỹ làm hạ nhiệt giá dầu toàn cầu và trong nước.
Trao đổi với DW, ông nói rằng giá năng lượng ở Mỹ đang tăng bởi vì "thị trường thế giới thiếu dầu, không phải vì Mỹ thiếu dầu". Ông giải thích thêm rằng nền kinh tế Mỹ cần dầu để tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhờ đó, Mỹ có thể tạo ảnh hưởng đến lạm phát và sau đó là giá cả.
Sự thay thế liệu có khả thi?
Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu lớn. Trước khi chịu các lệnh trừng phạt và nạn tham nhũng trong nước làm xói mòn sản lượng, Venezuela từng sản xuất gần 3 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Song, chuyên gia năng lượng tại Đại học Texas Jorge Pinon cho biết các thiết bị và máy móc sản xuất dầu đã bị gỉ sét trong vài năm qua.
Số liệu thống kê của OPEC cho thấy Venezuela hiện sản xuất tới 688.000 thùng dầu mỗi ngày. Chuyên gia cho biết hầu hết lượng dầu này được chuyển đến Trung Quốc. Một lượng nhỏ được vận chuyển đến Nga và Iran để trả nợ. Khoảng 60.000 thùng dầu được chuyển đến Cuba và các khách hàng sử dụng tiền mặt như Ấn Độ.
Sản lượng hiện tại đã khác xa so với trước đây. Do đó, nguồn cung dầu của Venezuela chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì Nga xuất khẩu sang Mỹ và thế giới.
Pinon thắc mắc: "Tôi không hiểu tại sao Mỹ lại hướng tới Venezuela khi nước này không có khả năng tăng sản lượng".
Một đất nước ngập trong nợ nần
Các chuyên gia năng lượng từ Mỹ Latinh cho rằng ngay cả khi thoả thuận được ký kết, Venezuela vẫn còn rất nhiều khoản nợ với Mỹ và các doanh nghiệp quốc tế. Vì vậy, nếu một thoả thuận được thực hiện, việc đầu tiên Venezuela làm là bán dầu trả nợ.
Ông Mares cho rằng chính quyền Tổng thống Maduro sẽ không thực hiện một thoả thuận mà không mang tiền về cho Venezuela. "Tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Nhưng những người ủng hộ ông Maduro coi đây là cơ hội để bắt đầu lại, tuyên bố phá sản và xây dựng một mối quan hệ mới. Đó là cách duy nhất mà tôi thấy, nhưng tôi không nghĩ đó là thoả thuận mà ông Maduro mong muốn".
Venezuela là một trong số ít quốc gia Mỹ Latinh có quan hệ chặt chẽ với Nga.
Pinon tin rằng triển vọng các công ty dầu mỏ Mỹ trở lại Venezuela và mang theo chuyên môn cũng như hỗ trợ kỹ thuật sẽ là động lực mạnh mẽ để ông Maduro đồng ý một thoả thuận.
Các công ty như Chevron, Schlumberger và những công ty khác có lợi ích nhất định trong việc quay trở lại quốc gia Mỹ Latinh này.
Benigna Leiss, một chuyên gia về năng lượng ở Nam Mỹ và là cựu tổng giám đốc của Chevron Energia De Mexico cho biết: "Thực tế Venezuela có nguồn trữ lượng, các công ty đang muốn quay trở lại đó và họ đã quan tâm về quốc gia này trong nhiều năm".
Khơi dậy hoạt động thương mại với Venezuela
Một thỏa thuận có thể bao gồm việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt cụ thể đã được áp đặt đối với Venezuela.
Nhưng cho đến nay, Mỹ không có thỏa thuận nào về cách thức tiến hành. Chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào từ chính quyền. Một phái đoàn cấp cao đã gặp gỡ các quan chức Venezuela, trong đó các vấn đề an ninh năng lượng được đề cao trong chương trình hội đàm.
Một giải pháp thay thế khác mà chuyên gia Leiss hướng đến là Brazil. Bà nói rằng Brazil có đủ thiết bị và năng lực để tăng sản lượng dầu. Bà lập luận đây là một điều đáng để xem xét.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng Mỹ và các đồng minh sẽ giải phóng 60 triệu thùng từ trữ lượng dầu của mình, đồng thời cho biết thêm rằng phần lớn trong số này sẽ đến từ chính Mỹ.
Nhưng 60 triệu thùng dầu chỉ như hạt cát trong sa mạc. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, mức tiêu thụ trung bình hàng ngày của Mỹ là hơn 19 triệu thùng dầu. Vì thế con số 60 triệu chỉ tương đương với mức tiêu thụ của Mỹ trong 3 ngày.
Theo DW