Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017-2020, cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 127 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, năm 2017 là 44 doanh nghiệp (DN), năm 2018: 64 DN, năm 2019: 18 DN và năm 2020 là 1 DN.
Tính đến tháng 10/2017, đã cổ phần hóa 20 DNNN, công bố giá trị doanh nghiệp của 8 DNNN; xác định giá trị doanh nghiệp của 10 DNNN. Tổng số thu về từ CPH là 683,823 tỷ đồng. Đồng thời, thoái vốn thu về 12.099 tỷ đồng (đạt 20,1% kế hoạch).
Giai đoạn 2017-2020, cả nước phải hoàn thành CPH 127 DNNN (Ảnh minh họa: KT)
Năm 2018, theo kế hoạch có 64 DN sẽ phải thực hiện CPH, cho thấy không chỉ lớn về số lượng mà còn lớn cả về giá trị, khi danh sách CPH có những tổng công ty (TCT) có giá trị vốn rất lớn như: TCT Viễn thông MobiFone; TCT Phát điện 1, 2; TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; TCT Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội... Đây là những “ông lớn” được kỳ vọng sẽ mang lại những khoản thu hồi vốn khổng lồ cho Nhà nước. |
Chỉ riêng 2 tháng đầu năm, hàng loạt các DN lớn đã tạo làn sóng thu hút đầu tư khá ấn tượng, đặc biệt là với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài như: TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) mới chỉ bán 20% cổ phần đã mang về cho nhà nước gần 7.000 tỷ đồng…
Không thể phủ nhận CPH đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất - kinh doanh ở đa số DNNN. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những "phiên bản lỗi", không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn dẫn đến sự lụn bại của nhiều thương hiệu và đẩy hàng vạn lao động vào khó khăn.
Lợi dụng “lỗ hổng” trong định giá DNNN để trục lợi
Theo nhiều chuyên gia, trong quá trình CPH, việc xác định giá trị DN trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án CPH về sau. Nhưng thời gian qua, việc xác định giá trị DN cho thấy còn có nhiều bất cập, dẫn tới nguồn lực Nhà nước tại các DN này có thể sẽ bị giảm bớt.
GS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp TCT nhà nước bị thiệt hại khi mua cổ phần. Trong đó, vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là trường hợp điển hình ở quy mô cực lớn của việc đẩy giá mua - bán DN nhà nước.
Hay như chuyện lùm xùm khi CPH, thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam được định giá 0 đồng. Khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá trị DN của Hãng Phim truyện Việt Nam được xác định ở mức 50 tỷ đồng. TCT Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải trả hơn 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần và nắm giữ hàng nghìn mét vuông đất vàng tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà hãng phim đang thuê lại của Nhà nước. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là giá trị khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, khiến Nhà nước chỉ thu về số tiền thấp so với giá trị thực tế.
GS Đặng Đình Đào nhận định, những cách trục lợi phổ biến nhất là lợi dụng lỗ hổng của các quy định về quản lý, sử dụng đất và tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược không rõ ràng, đấu giá không minh bạch. Hơn 20 năm thực hiện CPH DNNN, khúc mắc lớn nhất luôn là xác định giá trị đất đai. Đây là một trong những kẽ hở khiến tài sản của nhà nước dễ bị thất thoát khi đất đai bị chuyển đổi mục đích sử dụng…
“Định giá của nhà nước để bán thì rất thấp, nhưng ngược lại, khi nhà nước đi mua lại định giá rất cao để lấy tiền ngân sách. Câu chuyện đó đã diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực. Đây là hành vi coi thường luật pháp hoặc lợi dụng kẽ hở luật pháp để trục lợi”, GS Đặng Đình Đào khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đánh giá, thực tế qua nhiều vụ việc cổ phần hoá trong thời gian qua, đã có một số trường hợp, một số doanh nghiệp đã cố tình định giá thấp để trục lợi từ cổ phần hoá.
Việc không tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng tài sản sở hữu toàn dân giao doanh nghiệp quản lý, sử dụng (trước hết là đất đai...) đã làm giảm giá trị thực tế của vốn nhà nước, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, tạo cơ hội trục lợi cho một số đối tượng có liên quan.
“Quy định pháp luật về việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp còn có nhiều bất cập. Theo đó, đất thuê trả tiền hằng năm không được đưa vào giá trị cổ phần hoá. Vì vậy, doanh nghiệp đã lách bằng cách lựa chọn hình thức thuê đất để được định giá đất bằng 0, làm giảm giá trị doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp được giao đất thì tài sản đất đai cũng chỉ được định giá đất tính theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định, không sát giá thị trường... Nhiều nơi thấp hơn đến 4-5 lần so với giá thị trường”, ông Phạm Đức Trung chỉ rõ.
Còn theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc định giá hiện vẫn theo cơ chế nhà nước định giá chứ chưa hoàn toàn theo giá thị trường. Đây là 1 nguyên nhân cơ bản của tình trạng bán thấp – mua cao, thậm chí có lúc mua cao – bán thấp.
“Trục lợi qua “vỏ bọc” cổ phần hóa DNNN một phần là do cơ chế định giá nhưng trong việc này chủ yếu là có lợi ích nhóm, có những mối quan hệ không rành mạch, minh bạch, nên lợi dụng để trục lợi”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh./.