Qua kết luận này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) xin rút vốn trước thời hạn…
Trước đó, ngày 17-9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về việc CPH cảng Quy Nhơn cũng chỉ rõ các vi phạm, khuyết điểm và trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai thu hồi 75% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước đã chuyển nhượng.
Bên cạnh những kết quả tích cực của CPH, đã có không ít hệ lụy từ mặt trái của chủ trương này, nhất là tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, biến của công thành "của ông". Dư luận một thời đã ngỡ ngàng với khối tài sản khổng lồ của gia đình bà cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sau khi CPH Công ty Bóng đèn Điện Quang do bà Thoa lãnh đạo một thời. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, kẽ hở là do chưa có luật về CPH nên nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau một thời gian lại rơi vào nhóm lợi ích. Nhiều DN CPH không công khai, minh bạch, nhiều người trục lợi và mua cổ phần ưu đãi để giàu lên từ đó.
Hơn 20 năm CPH DNNN, tài sản của nhà nước dễ bị thất thoát khi đất đai bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Đã có nhiều DNNN bị thâu tóm, những ông chủ mới bán luôn đất họ được quyền thuê và thuê với giá ưu đãi. Theo TS - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, qua thanh tra 60 dự án với tổng diện tích hơn 800.000 m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại đã xác định nhiều DN không tính giá trị quyền sử dụng đất, không đấu giá khi CPH, định giá thấp dưới 10 lần mức giá thị trường. Lỗ hổng này khiến tài sản nhà nước bị định giá rẻ đi và bị các nhóm lợi ích trục lợi.
Ở VFS hay cảng Quy Nhơn và nhiều DNNN khác thực hiện CPH, đã thấy rõ hiện tượng "con voi chui lọt lỗ kim". Sự bất thường, bất hợp lý được người lao động (NLĐ) phản ánh, kiến nghị nhưng chậm hồi âm, giải quyết, đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì nhiều việc đã là sự đã rồi, hậu quả khó khắc phục ngày một ngày hai. Quá trình CPH ở nhiều DNNN cho thấy chuyện thua lỗ, lệch lạc mục tiêu, mất tài sản nhà nước là rõ ràng, không còn là nguy cơ như đã từng cảnh báo.
Xót xa biết chừng nào khi ở những nơi đó được gầy dựng nên bởi mồ hôi công sức bao người, bao thế hệ; giá trị thương hiệu cùng những giá trị vô hình và hữu hình khác là cực lớn nhưng đã mất đi một cách phũ phàng. Chủ trương từ đầu trong các khâu định giá, mua cổ phần nhằm để nếu có "lọt sàng" thì cũng "xuống nia", NLĐ không bị thiệt thòi. Song nhiều nơi đã làm trái, NLĐ nghèo mà lãnh đạo DN thì giàu lên...
Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ và những bài học từ thực tiễn, phải triệt để và nhanh chóng khắc phục hậu quả. Người dân mong sẽ không còn những vết xe đổ tương tự để ngăn chặn lợi ích nhóm, gây bất công xã hội, làm thất thoát tài sản nhà nước và thiệt thòi quyền lợi NLĐ.