Năm 2018, SHS đã sáp nhập thành công SHBS tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 2018 tổng doanh thu đạt 1.248 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 358 tỷ đồng, hoàn thành 92,46% kế hoạch năm.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động môi giới (gồm cả lưu ký) đạt 264,6 tỷ đồng, chiếm 21,2% doanh thu - tăng nhẹ 1,07% năm 2017, lãi từ cho vay và phải thu đạt 375,1 tỷ đồng, chiếm 30% và tăng 11,14%, hoạt động đầu tư ghi nhận 484,6 tỷ đồng chiếm 38,8% và tăng 16,3%, hoạt động tư vấn ghi nhận 118 tỷ đồng, tăng 62%.
Thị phần môi giới của SHS duy trì trong top 6 các CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trên 2 sàn HNX và HSX, top 7 thị phần môi giới trái phiếu trên HNX. Hiện công ty đang quản lý 42.655 tài khoản, tăng 56,8%. Năm qua công ty đã phát hành 4 đợt trái phiếu doanh nghiệp huy động 2.300 tỷ đồng với lợi thế lãi vay rẻ hơn vay vốn tín dụng ngân hàng,
Năm 2019, SHS đặt kế hoạch 1.291 tỷ đồng doanh thu và 420,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng không đáng kể so với thực hiện 2018. Quan điểm của ban lãnh đạo SHS trong việc đầu tư 2019 là thận trọng, tìm kiếm cơ hội đầu tư giá trị thông qua hoạt động M&A và thoái vốn, giảm tỷ trọng trên thị trường niêm yết.
Công ty định hướng trở thành một trong những công ty môi giới hàng đầu Việt Nam, phấn đấu nằm top 3 thị phần môi giới và tổ chức hàng đầu về tư vấn.
Năm 2018, SHS dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.
Quỹ thù lao cho thành viên HĐQT (5 người) là 3,36 tỷ đồng và 3 thành viên BKS là 1,296 tỷ đồng. Năm 2019, HĐQT đề nghị quỹ thù lao cho HĐQT và BKS năm 2019 là 1,5% trên lợi nhuận sau thuế và không thấp hơn thù lao đã chi năm 2018 (4,6 tỷ đồng).
HĐQT trình ĐHCĐ miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Hưng, thành viên HĐQT và bầu bổ sung ông Mai Anh Chính giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kì 2017-2022 từ ngày 11/4/2019. Ông Mai Anh Chính hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng dịch vụ tài chính của tập đoàn T&T.
Dự báo TTCK 2019
SHS đánh giá năm 2019 đề án "Cơ cấu lại TTCK đến năm 2020 và định hướng tới 2025" được Chính phủ phê duyệt, nhiều chính sách đối với TTCK sẽ được cụ thể hoá và triển khai mạnh mẽ hơn. Bao gồm dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu mới, hợp đồng tương lai trái phiếu CP.
Chủ trương tiếp tục cổ phần hoá và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước như Mobifone, VNPT, Satra, Genco 2, Genco 1, Vinachem, Vinataba ..thoái vốn các DNNN như ACV, Vietnam Airlines, Viglacera, PV Gas, Petrolimex,...cùng với quá trình chuyển sàn của nhiều mã lớn trên Upcom sang niêm yết sẽ giúp thị trường có thêm hàng hoá chất lượng và tăng tính thanh khoản.
Cơ hội TTCK Việt Nam được FTSE nâng hạng thị trường, tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên của MSCI (tháng 6/2019) và khả năng đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi giai đoạn 2019-2020.
Tuy nhiên các rủi ro ngoài các yếu tố quốc tế, dòng tiền đầu tư chứng khoán có thể gặp khó khăn do chịu tác động từ Thông tư 36, Thông tư 07, chính sách hạn chế tín dụng từ ngân hàng cho các hoạt động rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh chứng khoán, UBCK tăng cường quá trình kiểm soát rủi ro tại các CTCK đặc biệt là hoạt động cấp margin.
Cổ đông hiến kế cho SHS tăng cường khách hàng lớn
Một cổ đông hỏi số lượng khách hàng giao dịch trên 20 tỷ một năm tại SHS, chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho rằng số liệu tài chính công ty minh bạch nhưng một số thông tin thuộc về bí mật kinh doanh của công ty thì xin phép chia sẻ riêng. Cổ đông này cho rằng công ty ACBS đã chia sẻ việc tìm kiếm khách hàng lớn bằng cách rà soát danh sách khách hàng trên hệ thống big data của ngân hàng mẹ ACB, các khách hàng có số dư tiền gửi trên 5 tỷ đồng nhưng không đầu tư chứng khoán. Sau đó các môi giới tư vấn và chia sẻ thông tin về chứng khoán để tìm cơ hội đầu tư cho khách hàng. Bằng cách nào đó sẽ gia tăng được lượng khách hàng lớn.
Cảm ơn sự chia sẻ của nhà đầu tư, ông Hiển chia sẻ SHS sẽ "tìm ra sự khác biệt có chiến lược riêng của mình", đem đến sản phẩm thoả mãn thị trường và khách hàng, khai thác lợi thế của riêng mình.