Ngày 13/2 vừa qua, hãng sản xuất jean 145 năm tuổi Levi’s đã nộp hồ sơ để IPO trên sàn giao dịch chứng khoán New York với dự định lên sàn vào quý I/2019.
Levi Strauss & Co. là công ty do gia tộc Haas, những hậu duệ của nhà sáng lập Levi Strauss quản lý. Haas là một trong những gia tộc giàu có nhất nước Mỹ và theo hồ sơ của công ty, sáu thành viên của gia tộc này đang sở hữu 63% Levi’s. Cổ đông lớn nhất, Mimi L. Haas nắm giữ 17% cổ phần công ty, tương đương ít nhất 1 tỷ USD.
Năm 2018, doanh thu của Levi’s đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước. Dựa vào số liệu trên và các công ty tương tự trong lĩnh vực may mặc, Forbes ước tính Levi’s trị giá khoảng 6,4 tỷ USD và điều này khiến cổ phần của sáu thành viên trong gia tộc Haas có giá trị 4 tỷ USD.
Năm 2015, Forbes định giá gia tộc Haas khoảng 3,7 tỷ USD (không bao gồm cổ phiếu do các quỹ từ thiện của họ sở hữu). Ngoài ra, tờ báo này còn phát hiện ra rằng 44% công ty thuộc sở hữu của hơn 200 cổ đông hầu hết là người trong gia tộc. Người phát ngôn của Levi Strauss không bình luận về lý do công ty quyết định IPO ở thời điểm hiện tại.
Theo nguồn tin của CNBC, Levi’s đang tìm cách huy động khoảng 600 – 800 triệu USD và hướng tới việc lên sàn vào quý I năm nay. Giá trị thị trường dự kiến của công ty sau IPO sẽ rơi vào khoảng 5 tỷ USD.
Năm 1853, Levi Strauss, một người nhập cư từ Bavaria đã chuyển tới California trong kỷ nguyên sốt vàng để mở một trạm giặt khô quần áo. Đến năm 1873, Strauss đã phát minh ra chiếc quần jeans đầu tiên có độ bền cao hơn những chiếc quần thông thường. Công ty Levi’s đã ra đời từ đó.
Một chiếc quần bò thương hiệu Levi's.
Gần 150 năm sau, Levi’s đã trở thành công ty có 5,6 tỷ USD doanh thu năm và sản phẩm của họ được bán tại hơn 50.000 cửa hàng trên khắp thế giới. Người sáng lập Levi’s không có con nên ông đã chuyển giao việc kinh doanh cho bốn người cháu trai và truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Trước đây, năm 1971, Levi’s đã IPO và thu về 50 triệu USD tuy nhiên đến năm 1985, những hậu duệ của Levi Strauss đã mua lại và sáp nhập để đưa Levi’s thành công ty tư nhân.
Nhà phân tích thương hiệu may mặc John D Morris cho biết hiện tại là thời điểm tốt nhất để Levi’s IPO một lần nữa. Theo ông, sự tăng trưởng của phong cách athleisure (phong cách thời trang mang tính ứng dụng cao nhờ vận dụng trang phục dành cho hoạt động thể thao và tập luyện vào trang phục thường ngày) đang chững lại và người tiêu dùng có xu hướng tìm đến đồ jean.
Morris cho biết: "Levi’s là một trong những thương hiệu dễ nhận biết nhất thế giới. Thương mại điện tử đã thay đổi rất nhiều và khi muốn mua sắm, người tiêu dùng sẽ lên mạng và tìm đến nhãn hiệu nổi bật nhất".
Morris không phải người duy nhất nhận thấy tiềm năng phát triển trở lại của đồ jean. Theo nghiên cứu của NPD, doanh số của loại trang phục này đã tăng 5% trong năm 2018 so với năm 2017. Thị trường này ở Mỹ được định giá ở mức 16,4 tỷ USD.