Chỉ trong 24h, thế giới đã có thể thấy Mỹ vất vả đến thế nào để chống lại thế lực đang lên của Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình công bố một cuộc đại tu ngoại giao sâu rộng nhằm "rải đều" ảnh hưởng của Trung Quốc và nhận cơ hội tại vị mãi mãi. Tại Washington, Tổng thống Donald Trump sa thải nhà ngoại giao hàng đầu của mình qua một dòng thông báo trên mạng xã hội, "phơi bày" những vết nứt giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Tử Cấm Thành với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 8/11/2017 (Nguồn: Reuters).
Diễn biến ở 2 bờ Thái Bình Dương làm nổi bật khoảng cách ngày càng tăng trong kế hoạch chiến lược giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi ông Tập đang trên đà định hình lại các quy tắc toàn cầu trong nhiều năm tới, ông Trump vẫn loay hoay sắp xếp đội ngũ trong suốt 14 tháng từ khi nhậm chức.
"Ông Tập Cận Bình nói rõ rằng Trung Quốc đã sẵn sàng tạo ảnh hưởng trên toàn cầu và sẽ giới thiệu mô hình điều hành để các nước khác học theo", Yanmei Xie, một nhà phân tích chính sách của Trung Quốc cho công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics, nhận định. Trong khi đó, ông cho rằng "rất khó để nhận ra một chiến lược chặt chẽ từ đội ngũ của ông Trump, nếu đó còn có thể gọi là một đội".
Trung Quốc: "Thế nước đang lên"
Một kế hoạch tái cấu trúc Chính phủ của Trung Quốc hôm thứ ba (13/3) kêu gọi củng cố các chương trình viện trợ nước ngoài dưới sự quản lý của một cơ quan mới được xây dựng theo mô hình Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Thay đổi này sẽ phối hợp tốt hơn cho kế hoạch đầu tư nước ngoài "Một vành đai, một con đường" của ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc ngày 3/3 (Nguồn: Associated Press).
Vì những nỗ lực này, chính quyền Trump ghi nhận Trung Quốc như là một "đối thủ chiến lược" trong các văn kiện chiến lược gần đây và thúc giục một phản ứng mạnh mẽ hơn để đối phó. Nhưng những kế hoạch như vậy đã trở nên phức tạp bởi những lời chỉ trích của ông Trump về các hiệp ước an ninh của Hoa Kỳ, những mối đe doạ cắt giảm viện trợ nước ngoài và hành động thương mại làm tổn thương các đồng minh Mỹ truyền thống hơn Trung Quốc.
Mỹ: Nhà Trắng thành "nhà trống"
Chưa đến giữa tháng mà Nhà Trắng đã chứng kiến sự ra đi của 2 cố vấn cấp cao: Ngoại trưởng Rex Tillerson và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn. Những thay đổi liên tục trong hàng ngũ gây ra quan ngại rằng ông Trump đối nội còn chưa xong thì lấy đâu ra thời gian và tâm trí nghĩ chiến lược đối ngoại.
Ông Tillerson bị sa thải chỉ vài giờ sau khi quay về từ chuyến đi châu Phi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân do Mỹ dẫn đầu như một giải pháp thay thế cho các khoản vay từ Trung Quốc. Và mặc dù Tổng thống Mỹ ca ngợi tân Ngoại trưởng - Giám đốc CIA Mike Pompeo - là phù hợp hơn với quan điểm cá nhân của ông, những thay đổi đột ngột chỉ cho thấy Washington là một đối tác không đáng tin cậy.
Ông Trump công bố quyết định sa thải Ngoại trưởng Tillerson hôm 13/3 (Nguồn: NBC News).
Trong khi đó, ông Cohn từ chức vì không đồng ý với quyết định đánh thuế nhôm, thép nhập khẩu của ông Trump. Một chính quyền mà trên dưới còn "bất nhất", liệu rằng Washington có đủ lực để đấu lại Bắc Kinh?
Mỹ muốn chiến tranh thương mại, chắc gì Trung Quốc đã thua?
Ông Trump dường như rất sốt sắng trong việc trừng phạt đối thủ, thực hiện đúng lời hứa từ chiến dịch tranh cử 2016. Hôm qua (14/3), Nhà Trắng thúc giục Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD thặng dư thương mại, một phát ngôn viên cho biết. Trước đó, Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố áp thuế nhập khẩu tới 60 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc để trả đũa nước này vì đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Trước những bước đi hung hăng của ông Trump, Bắc Kinh chưa thực sự có hành động nào đáp trả mà mới chỉ đưa ra cảnh báo. Ngày 8/3, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng nói chiến tranh thương mại chỉ "đơn thuốc kê sai", cho thấy đây là điều nước này không mong muốn.
Tuy nhiên, xét về sức mạnh kinh tế Trung Quốc không thua kém Mỹ là mấy còn bộ máy của ông Tập rõ ràng đang ổn định hơn ông Trump. Giới quan sát cũng nhận định nếu 2 nước thực sự đối đầu, Bắc Kinh chưa chắc đã thua.
Ông Trump, ông Tập đang có 2 hướng đi rất khác nhau (Nguồn: CNN).
Mặc dù dành ít ngân sách cho ngoại giao hơn Mỹ, Trung Quốc dự định tăng mức chi tiêu lên 60 tỷ nhân dân tệ (9,5 tỷ USD) trong năm nay, tăng gấp đôi chi tiêu của 2013. Trong khi đó, chính quyền Trump đề nghị chi 37,8 tỷ USD cho mảng này trong năm tới, giảm mạnh từ con số 55,6 tỷ USD năm ngoái. Hu Xingdou, giáo sư kinh tế tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết cuộc cải tổ sẽ giúp Bắc Kinh "tham chiến" tốt hơn. Đây là một trò chơi mà được ăn cả, ngã về không", Hu nói.