"Tin tôi đi, ai cũng muốn làm việc trong Nhà Trắng", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo chí trước tin người ta không muốn làm việc cho ông. Đó là vào khoảng 3h45 chiều thứ ba (6/3) tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Stefan Löfven của Thụy Điển. Chưa đầy 2h sau, Gary Cohn, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, quyết định ra đi.
Tỷ lệ thay nhân viên kỷ lục
7/12 cố vấn cao cấp nhất của Trump đã từ chức, bị sa thải hoặc phân bổ lại. Thư ký Nhà Trắng Rob Porter từng phải từ chức cách đây một tháng sau khi cáo buộc lạm dụng vợ cũ bị công khai. Giám đốc Truyền thông Hope Hicks, một trong những phụ tá thân cận nhất của ông Trump, tuyên bố tuần trước rằng cô sẽ từ chức. Sự ra đi của Cohn cho thấy đây có thể là "hiệu ứng trốn chạy".
Quá nửa số cố vấn cao cấp tuyên thệ hôm 22/1/2017 đã từ chức, bị đuổi việc hoặc thuyên chuyển (Nguồn: New York Times).
Theo số liệu của Viện Brookings ở Washington, khoảng 43% số vị trí cấp cao ở Nhà Trắng bị thay đổi kể từ khi ông Trump nhậm chức. 2 năm đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ này của Barack Obama chỉ là 24% còn George W. Bush là 33%.
Người ta chưa bao giờ thấy tỷ lệ thay nhân viên nhanh như vậy trong chính quyền Mỹ thời hiện đại. Tình hình này còn làm tăng lo ngại về "chảy máu chất xám" khiến cho việc tuyển dụng nhân tài mới trở nên khó khăn hơn. "Số người có khả năng làm việc thực sự, dù đồng ý về ý thức hệ hay không, đang ngày càng ít đi ", Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện, nói với các phóng viên.
Thói quen đuổi người kiểu "truyền hình thực tế"
Trong 10 năm ông Trump dẫn chương trình The Apprentice (Người học việc), khán giả từng hồi hộp xem thí sinh nào sẽ bị loại trong tập sau. Giờ đây, khi ông là Tổng thống, người Mỹ lại lo lắng hỏi nhau: Ai sẽ là người tiếp theo rời nội các?
Nhiều báo cáo gợi ý rằng đó có thể là HR McMaster, cố vấn an ninh quốc gia với phong cách không hợp ý ông Trump, hoặc Ngoại trưởng Rex Tillerson - người từng nhiều lần đưa ý kiến đối lập với Tổng thống.
Tổng thống Trump (Nguồn: New York Times).
Bên cạnh đó, John Kelly, Chánh văn phòng từng được xem như một trụ cột vững chắc trong Nhà Trắng đầy biến động, giờ cũng đang chịu áp lực trong cách xử lý bê bối của phụ tá thân cận Rob Porter. Và nhiều nguồn tin cho biết ông Trump đang rất khó chịu với Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cao cấp, sau khi ông này bị tước quyền tiếp cận những thông tin tình báo quốc gia tối mật giữa bối cảnh cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử sắp kết thúc.
"Nói về các đời tổng thống hiện đại, đây là nhiệm kỳ 'lỏng cương' nhất mà chúng ta từng thấy. Đây là Nhà Trắng đầu tiên mà chúng ta không có gì ngoài những nhân viên ngắn hạn trừ khi bạn là người nhà tổng thống. Đúng là một điều tồi tệ cho đất nước và tồi tệ cho thế giới ", Robert Shrum, một nhà chiến lược gia của Đảng Dân chủ, nhận định.
Văn phòng chỉ còn một vài gương mặt quen. Giám đốc Truyền thông Xã hội của Nhà Trắng Dan Scavino là người duy nhất ở lại bên ông Trump từ khi chiến dịch tranh cử thành lập vào tháng 6/2015. Gia nhập đội ngũ từ 2016, cố vấn cao cấp Stephen Miller và cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway đều chứng tỏ được bản năng sống còn. Đệ nhất Tiểu thư Ivanka Trump vẫn sát cánh bên người cha Tổng thống nhưng có tin đồn rằng bà và chồng, Kushner, muốn quay về New York để tiếp tục kinh doanh.
Ivanka Trump và Jared Kushner dường như cũng không còn đam mê chính trị (Nguồn: Reuters).
"Bạn có những tình huống mà một số người đang phải cáng đáng nhiều hơn một công việc", Martha Joynt Kumar, Giám đốc Dự án Chuyển giao Nhà Trắng, nói với Associated Press. Ví dụ, Johnny DeStefano hiện quản lý 4 văn phòng: nhân viên Nhà Trắng, quan hệ cộng đồng, các vấn đề chính trị và các vấn đề liên chính phủ. "Đây là 4 chức vụ mà trong hầu hết các chính phủ, mỗi mảng đều do một trợ lý hoặc phó trợ lý của tổng thống quản lý", bà Kumar cho biết.
Đi thì dễ, đến thì khó
Nếu nhìn vào lịch sử, giữ lại nhân viên cấp cao trong năm thứ 2 sẽ là một công việc thậm chí còn khó khăn hơn, theo chuyên gia Kathryn Dunn Tenpas thuộc Viện Brookings. Cả 5 người tiền nhiệm của ông Trump đều chứng kiến tỷ lệ thay đổi nhân viên lớn trong năm thứ 2. Làm việc quá sức và căng thẳng, nhiều nhân viên cho khoảng thời gian 12 tháng Nhà Trắng là đủ để "làm đẹp" CV và chuyển sang các công việc lương cao trong khu vực tư nhân.
"Việc tuyển dụng năm thứ 2 là một thách thức đối với bất kỳ chính quyền nào bởi vì tâm lý hưng phấn hậu bầu cử đã phai nhạt và thực tế khắc nghiệt của công việc điều hành đã hiện ra đầy đủ", Tenpas nhận định.
Nhà Trắng ngày càng trống trải (Nguồn: Shutterstock).
Thoạt nhìn, những sự kiện thay đổi người ở tận Washington dường như ít ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người Mỹ. Tuy nhiên, nhân sự là chính sách. Cố vấn lần lượt ra đi, không ai ngăn cản ông Trump hành động theo cảm tính.
Tuần trước, nhà lãnh đạo thách thức các chuyên gia kinh tế và Liên minh Châu Âu (EU) khi áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm, làm tăng khả năng về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tình hình nội các Mỹ hiện được đánh giá là “hỗn loạn chưa từng có”. Lực lượng mỏng, các phụ tá càng không dám cãi lời Tổng thống. Và có thể ông Trump đúng, luôn có người muốn vào Nhà Trắng, để được tận hưởng cảm giác quyền lực trong Chính phủ hàng đầu thế giới. Nhưng những người này có đủ sức hoàn thành trọng trách? "Tuyệt đối không", Kurt Bardella, một nhà bình luận chính trị cho HuffPost và USA Today khẳng định.