Hôm thứ Năm (12/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này đang muốn gia nhập lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) (hiện là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) tại buổi làm việc với lãnh đạo các bang mạnh về nông nghiệp. Cụ thể, ông Trump đã yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Giám đốc Ủy ban Kinh tế quốc gia Larry Kudlow nghiên cứu khả năng tái đàm phán TPP nếu các điều khoản phù hợp.
Quyết định trên diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang nhận nhiều chỉ trích, đồng thời phải tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến thương mại hiện leo thang với Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh từng lo sợ Washington sử dụng TPP, một hiệp định với 12 quốc gia ký kết để kìm hãm nước này về mặt kinh tế.
Tổng thống Trump bày tỏ ý định quay lại TPP trong một cuộc họp Nhà Trắng ngày 12/4. (Nguồn: New York Times)
Quyết định rút khỏi TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là lời hứa ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử, với lý do các thỏa thuận cướp đi việc làm của nhà sản xuất và công nhân nước này. Tuy nhiên, ông dường như đã phải xem xét lại lập trường trước những quan điểm trái chiều. Gần đây nhất, các Nghị sĩ đảng Cộng hòa nói rằng nông dân và doanh nghiệp các bang sẽ bị ảnh hưởng bởi các hàng rào thuế quan bên ngoài.
Tuy vậy, tuyên bố của ông Trump vẫn khiến các cố vấn thân cận nhất ngạc nhiên. Larry Kudlow - cố vấn kinh tế hàng đầu Nhà Trắng - cho biết trên New York Times rằng quyết định này có phần "tự phát".
Ngược lại, chuyên viên thương mại Gary Hufbauer tại Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) lại cho rằng Tổng thống đang phải tìm kiếm đồng minh khi Trung Quốc đang ở "cửa trên" trong cuộc chiến thương mại.
Mới đây, khi Washington áp thuế nhập khẩu nhôm - thép mới, phía Bắc Kinh phản ứng bằng tuyên bố sẽ phạt hàng loạt sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc Mỹ. Ngay khi Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế tới 150 tỷ USD trong các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến chống vi phạm sở hữu trí tuệ, Trung Quốc cũng lập tức đáp trả bằng đe dọa đánh thêm thuế đối với hàng nông phẩm nhập khẩu từ Mỹ.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse cho biết ông tin rằng Tổng thống đang nghiêm túc về ý định tái trở lại hiệp định TPP. Ông Ben là một trong số những người có mặt trong cuộc họp mới đây. “Đây là một tin tốt cho nước Mỹ”, ông Sasse nhận định.
Thực tế, đây không phải lần đầu ông Trump chia sẻ ý định tái đàm phán TPP. Trong một cuộc họp hồi tháng 1/2018 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ từng nói “có thể xem xét lại vấn đề đàm phán” để Mỹ trở lại hiệp định.
Một tháng sau đó, trong cuộc họp cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ông Donald Trump nói “có khả năng sẽ ký kết nếu nước Mỹ có được những đề xuất tốt hơn”.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tạo thế đối lập với những ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc tại châu Á, và phù hợp với quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ trong việc áp thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi Mỹ quyết định rời TPP, rất nhiều doanh nghiệp nước này lo ngại động thái trên sẽ tạo điều kiện cho các đối thủ nước ngoài.
Sau khi không còn Mỹ, 11 quốc gia còn lại trong hiệp định đã ký một thỏa thuận mới, kém tham vọng hơn, có tên Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPATPP). Việc rút lui khỏi TPP là một trong những việc đầu tiên mà Tổng thống thứ 45 của Mỹ làm khi nhậm chức, khởi đầu cho chiến dịch ông từng hứa hẹn khi tranh cử.
Hôm đầu tuần này, ông Trump đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp Mỹ gửi danh sách các lựa chọn để hạn chế tác động kinh tế từ thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Trước khi Trung Quốc tuyên bố mức thuế mới, doanh thu từ nông nghiệp Mỹ năm 2018 dự kiến giảm 6,7%, còn 59,5 tỷ USD, thấp nhất trong hơn môt thập kỷ qua.
Một nhóm 25 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi yêu cầu cho Tổng thống Mỹ về đề nghị đàm phán lại TPP từ tháng 2.