Đại dịch do virus corona chủng mới (Covid-19) đang diễn biến cực kỳ nguy hiểm ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm. Trong bối cảnh đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm nghiêm trọng tạo nên khủng hoảng kép cho ngành Dầu khí.
Theo đó, chỉ trong tháng 3, dầu WTI đã "bốc hơi" hơn 54%. MarketWatch ghi nhận trong quý I, hợp đồng dầu WTI đã lao dốc 66,5%. Cũng trong tháng 3, các hợp đồng dầu Brent "bốc hơi" 55%, lao dốc mất 65,6% trong quý I/2020. Cả hai loại dầu đều ghi nhận quý giảm mạnh kỷ lục kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào tháng 6/1988 đến nay.
Trúng "bão kép" từ sự giảm mạnh của giá dầu và ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ứng phó với tác động kép của đại dịch Covid-19 và cú sốc giá dầu sụt giảm với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động Dầu khí đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tác động của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm.
Tuy nhiên, từ hệ lụy tác động kép của dịch bệnh và giá dầu, kết quả hoạt động tháng 3 của Tập đoàn PVN và các đơn vị thành viên đã bị phương hại và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn lớn trong quý II và cả năm 2020.
Đặc biệt, giá dầu sụt giảm từ 60-70 USD/thùng thời điểm đầu năm xuống còn trên dưới 20 USD/thùng trong những ngày qua và dự báo sẽ còn kéo dài ở mức thấp. Nhiều tập đoàn, công ty dầu khí lớn trên thế giới đã cắt giảm việc làm, sa thải công nhân. Mặc dù vậy, PVN luôn xác định mục tiêu cao nhất là bảo vệ người lao động. PVN đã và đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn sức khỏe, môi trường, duy trì công ăn, việc làm.
Trên thực tế, với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng, PVN sẽ đủ chi 18 tháng lương năm 2020. Tuy nhiên do dịch bệnh và giá dầu giảm sâu nên hiệu quả sản xuất kinh doanh bị tác động mạnh. Chính vì vậy, PVN kêu gọi CBCNV Tập đoàn cùng "đồng cam, cộng khổ", cùng "thắt lưng buộc bụng", cùng chia sẻ khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực kể cả việc thực hiện cắt, giảm lương, thu nhập của mỗi cá nhân trong giai đoạn này.
Đồng thời, tập đoàn rà soát, cắt giảm chi phí có trong kế hoạch nhưng chưa thực sự cần thiết, không đề xuất các khoản chi phí phát sinh nếu không bắt buộc phải xử lý nhằm mục tiêu tiết giảm đồng bộ với giảm doanh thu (ít nhất 15 – 30%).