Theo báo cáo của Vietnam Report, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm tại Việt Nam tăng dần từ 9,85 USD năm 2005 lên đến 22,25 USD năm 2010. Năm 2015, con số này tăng gần gấp đôi lên mức 37,97 USD.
Trong giai đoạn 2010 – 2015, số tiền người Việt chi cho thuốc tăng khoảng 14,6% mỗi năm. Vietnam Report dự tính con số này duy trì ở mức 14% hoặc cao hơn cho tới năm 2025.
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá lạc quan, năm 2017 doanh thu của thị trường trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD (theo số liệu của Business Monitor International - BMI), tăng khoảng 10% so với năm trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.
Theo Vietnam Report, Công ty CP Traphaco và Công ty CP Dược Hậu Giang lần lượt chiếm vị thứ thứ nhất và thứ hai trong Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2017.
Năm 2018, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước.
Hơn 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định “Quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện – kênh ETC” và vấn đề “Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài” đang là những rào cản lớn nhất đối với ngành dược hiện nay.
Cụ thể, việc các công ty đạt thang điểm từ 70-100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau khiến các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao phải chịu thua thiệt khi giá thuốc đấu thầu cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản, dẫn đến việc các loại thuốc có chất lượng khó trúng thầu vào bệnh viện.
Nguyên liệu cho ngành dược phẩm phải nhập chủ yếu từ nước ngoài khiến giá thành thuốc Việt Nam cao hơn khoảng 20 – 25% so với Trung Quốc và Ấn Độ. Thị trường dược phẩm hiện đang nhập khẩu chủ yếu từ hai quốc gia trên.