"Báo cáo ứng dụng di động 2021" của Appota cho thấy, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, cũng như cơ cấu nền kinh tế không phụ thuộc vào các nhóm ngành chịu nhiều ảnh hưởng, Việt Nam đã có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Đây là một con số rất ấn tượng và đưa Việt Nam vào danh sách một trong những quốc gia có mức GDP tăng trưởng tốt nhất thế giới. Vì vậy, đa số các tổ chức kinh tế uy tín như Fitch, World Bank… đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn như mức trước đại dịch ở con số tăng trưởng 6-8% so với GDP năm 2020.
Tăng trưởng GDP so với năm 2020
Bên cạnh đó, theo khảo sát từ IFM, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam sau đại dịch đã đạt mức thấp nhất từng thấy trong 20 năm trở lại đây. Người tiêu dùng đã không còn lạc quan vào thu nhập cá nhân và tình hình nền kinh tế trong thời điểm hiện nay. Điều này đã dẫn đến tâm lý tiết kiệm phòng tránh rủi ro và dè dặt chi tiêu.
Nguồn: IFM
Nguồn:Tổng cục Thống kê
Chỉ số CPI trong thời điểm Việt Nam bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai đã thể hiện rõ sự thay đổi trong tâm lý tiêu dùng ở nửa cuối năm 2020. Khi đại dịch bùng phát, chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm trong thời điểm quý 3/2020, người dân cũng có tâm lý dè dặt trong chi tiêu hơn và cắt giảm những chi tiêu không cần thiết.
Trong khi đó thời điểm tháng 2/2021, sức mua và chi tiêu của người tiêu dùng đã có sự tăng trưởng chủ yếu do thời điểm cận Tết, khiến giá CPI chứng kiến sự tăng vọt so với thời điểm trước đó.
Tốc độ Internet di động tại Việt Nam xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Liên quan đến Internet, Appota cho biết Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia có giá cước Internet rẻ nhất trên toàn cầu, khoảng 11,27 USD, tương đương 260.000 VND. Giá cước dễ tiếp cận khiến cho Internet được phủ sóng rộng rãi trên toàn quốc, đặc biệt là Internet di động.
Thêm vào đó, smartphone đang được ưu tiên làm thiết bị kết nối chính nhờ sự tiện lợi và sự phổ biến, hạ tầng và chất lượng Internet tại Việt Nam phát triển, đã khiến tốc độ Internet di động được cải thiện đáng kể, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Thế hệ Z và Millennials là 2 thế hệ sử dụng Internet nhiều nhất tại Việt Nam
Các nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất. Nguồn: We Are Social.
Trong nhóm người dùng từ 16 - 64 tuổi, YouTube và Facebook vẫn là hai mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất với tỷ lệ lên tới 91-92%.
Xu hướng sử dụng ứng dụng di động tại Việt Nam. Nguồn: QandMe
Trong khảo sát công bố bởi QandMe, tần suất sử dụng smartphone của người tiêu dùng Việt đã có sự tăng trưởng đáng kể vào năm 2020. Cụ thể, thời gian trung bình mỗi ngày sử dụng gia tăng 25%, từ 4 giờ/ngày lên 5,1 giờ/ngày.
Số lượng ứng dụng sử dụng trung bình mỗi tuần cũng tăng 31% từ trung bình 16,8 ứng dụng lên 22,1 ứng dụng. Lý do lớn nhất dẫn tới sự gia tăng này là do tác động của Covid-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội trước đó đã làm thay đổi thói quen và gia tăng thời gian tương tác với thế giới qua smartphone của người Việt.
Mạng xã hội và ứng dụng xem phim, nhắn tin là các loại ứng dụng phổ biến nhất mà người tiêu dùng Việt sử dụng. Vì vậy, Facebook và YouTube cũng là hai ứng dụng mà người tiêu dùng dành nhiều thời gian nhất khi sử dụng smartphone, với lần lượt chiếm 25% và 12% thời gian sử dụng. Một mạng xã hội khác là Instagram thậm chí đã bị TikTok vượt mặt trong cuộc khảo sát này khi TikTok chiếm 4% thời lượng sử dụng trung bình. Zalo và Messenger là hai ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất, chiếm 6-7% thời lượng sử dụng.