Ngày 10/01/2022, thời hạn chót để Tân Hoàng Minh phải nộp 50% số tiền mua tài sản, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn, đã có màn “quay xe” gây sững sờ khi viết “tâm thư” gửi đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước xin được đơn phương hủy kết quả đấu giá vào ngày 10/12/2021 và xin chấp nhận mọi chế tài..
Với việc đơn phương bỏ cọc, ông Đỗ Anh Dũng thêm một lần nữa khiến dư luận nhắc lại sự việc tương tự trước đó, năm 2016 ông chủ Tân Hoàng Minh từng bất ngờ bỏ cọc sau khi đấu giá cặp chóe tứ linh với giá 6,05 tỷ đồng.
Trước đó, vụ Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đôi chóe vàng rồi bỏ cọc đã khiến Tổng Giám đốc một công ty đấu giá phải viết “tâm thư” thuyết phục ông Đỗ Anh Dũng đừng bỏ cọc.
Với việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc, theo quy định về đấu giá hiện hành, đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ trúng đấu giá nếu vẫn có nhu cầu mua lô đất này.
Theo quy chế đấu giá, Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc khoản tiền đặt trước - tương đương 20% so với giá khởi điểm. Như vậy, số tiền Tân Hoàng Minh chấp nhận mất là 600 tỷ đồng.
Cận cảnh lô "đất vàng" ở Thủ Thiêm được bán đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2. (Ảnh: Hữu Khoa). |
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Thực tế, việc nhà đầu tư bỏ cọc sau khi đấu giá trúng thời gian qua không phải là chuyện hiếm từ trước tới nay.
Theo quy định tại điều 48 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các năm 2017-2020, trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thì họ còn mất khoản tiền đặt trước.
“Như vậy, chỉ cần chấp nhận mất tiền cọc thì quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá sẽ được huỷ bỏ.
Luật Đấu giá 2016 không quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp “bỏ cọc” đấu giá nhiều lần.
Luật Đấu giá năm 2016 chỉ quy định về thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá, thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá, giá khởi điểm, tiền mua hồ sơ, tiền đặt trước cũng như hình thức, phương thức đấu giá...
Vì vậy, không có cơ sở nói rằng việc Tân Hoàng Minh xin “bỏ cọc” đấu giá, không tiếp tục nộp tiền để sở hữu mảnh đất đã trúng đấu giá là vi phạm pháp luật. Dẫu sao, về bản chất thì đây cũng là quan hệ hợp đồng, một bên chấp nhận mất cọc để không phải thực hiện nghĩa vụ", luật sư phân tích.
“Do luật không quy định chế tài, cũng không có văn bản hướng dẫn chung nên dẫn đến không bảo đảm tính thực thi của quy định, dẫn đến tâm lý coi thường cơ hội tham gia đấu giá, tham gia trả giá một cách "bạt mạng".
Bỏ cọc nhiều lần, nhưng ở các cuộc đấu giá tiếp theo, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá, thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu lại tiếp tục được tham dự.
Đây là một lỗ hổng lớn cần khắc phục. Các cơ quan có thẩm quyền cần quy định siết chặt việc nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ, đồng thời quy định các chế tài đối với các tổ chức không có sự “nghiêm túc” khi tham gia đấu giá, mang tâm thái nhởn nhơ, không thực hiện được thì bỏ; nhằm bảo đảm tính thực thi của quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá khác, trách lãng phí thời gian, tiền bạc Ngân sách nhà nước để tổ chức các cuộc đấu giá công khai”, Trưởng VPLS Trung Hòa nêu quan điểm.