Nhưng năm nay, chuyên viên phân tích tài chính 25 tuổi sống tại Thượng Hải này đã thay đổi, trở thành một người dậy sớm. Dù cảm thấy mệt mỏi thế nào đi chăng nữa, Vương Nhân vẫn thức dậy vào đúng 7h15 và rảo bước đến ga tàu. Sự thay đổi này giúp anh có thể tiết kiệm đến 21 nhân dân tệ (tương đương 3,05 USD) mỗi lượt đi hoặc về.
Mặc dù di chuyển bằng tàu điện ngầm mất gần nửa giờ, lâu gấp đôi so với đi taxi, “tôi chỉ phải bỏ ra có 4 nhân dân tệ thôi”, Vương Nhân chia sẻ.
Vương Nhân không phải là trường hợp cá biệt bởi nhiều người Trung Quốc đang có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”. Sau nhiều năm tận hưởng thành quả của sự bùng nổ kinh tế và gia tăng thu nhập, nhiều công dân của quốc gia này hiện tìm mọi cách để cắt giảm các khoản chi tiêu.
Thay vì theo đuổi mục tiêu “thúc đẩy tiêu dùng” – cụm từ mà Bắc Kinh đã sẻ dụng để miêu tả mức gia tăng nhu cầu các sản phẩm cao cấp, ngày càng có nhiều người đang chọn cách đi ngược lại.
Trên trang web tương tác Zhihu của Trung Quốc, một bài đăng có tựa đề “Đâu là những lựa chọn tốt nhất cho chúng ta trong xu hướng cắt giảm tiêu dùng trong năm 2018?” đã thu hút hơn 25 triệu lượt người xem và hơn 2.000 người tham gia bình luận.
Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra bao gồm hủy đăng ký tập gym khi không tập luyên thường xuyên, không thực hiện những bộ ảnh cưới chuyên nghiệp và thực hiện phương châm “tự làm” mọi thứ ví dụ như phần tay cầm bàn chải đánh răng có thể được tạo nên từ những mảnh ghép lego.
Người mua sắm tại Plaza 66, một trung tâm mua sắp cao cấp ở Thượng Hải. Ảnh: Sanmiao.
Vương Nhân thực hiện theo lối sống tiết kiệm này. Trước kia, một buổi tối cuối tuần bên bạn gái của Vương Nhân thường bắt đầu bằng một bữa ăn lãng mạn, sau đó cả hai đi xem những bộ phim mới nhất của Hollywood. Năm nay, họ đã từ bỏ những thói quen hẹn hò từng có. Thay vào đó, họ đến rạp chiếu phim vào buổi sáng ngày cuối tuần, khi giá vé rẻ bằng một nửa so với buổi tối. Và những bữa tối trong nhà hàng được thay thế bởi những bữa ăn mang về với chi phí vỏn vẹn chỉ 50 tệ.
Xu hướng sống tiết kiệm có lợi cho tình hình tài chính của Vương Nhân nhưng đó lại không phải là điều mà Trung Quốc mong muốn, bởi những lãnh đạo quốc gia này đang cố gắng bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ và hồi phục thị trường chứng khoán đang sa sút. Tuy nhiên, bỏ qua nỗ lực đó, đã có dấu hiệu chỉ ra rằng xu hướng cắt giảm tiêu dùng đang dần hiện hữu qua các số liệu kinh tế của quốc gia này.
Vào tháng 9, Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế 6,5% trong quý III, thấp nhất trong vòng một thập kỷ. Xu hướng tiêu dùng cũng đang trên đà giảm, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường CEIC. Doanh số bán lẻ tăng 9,3%, khá cao, trong 3 quý đầu năm nhưng những con số đó lại đáng thất vọng khi so sánh với mức tăng 10,4% vào cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của người dân đang bị phản đối mạnh mẽ bởi Bắc Kinh bởi nhà chức trách đã đánh cược vào tiêu dùng sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong dài hạn. Để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn, giới chức lãnh đạo nước này đã ban hành chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân lần đầu tiên trong 7 năm qua, qua đó tiết kiệm cho người dân quốc gia này số tiền lên đến 320 tỷ nhân dân tệ.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng Trung Quốc tính đến tháng 8/2018.
Tuy nhiên nhiều người dân Trung Quốc cũng như các chuyên gia nhận định rằng những biện pháp như kể trên là chưa đủ để có thể thay đổi được tình hình.
“Tiêu dùng sẽ duy trì ở mức thấp trong quý tới do tình hình kinh tế vẫn có diễn biến xấu”, theo Chang Liu, nhà kinh tế học đến từ công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economist, London.
Việc tiêu dùng tăng trưởng chậm lại không có nghĩa nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, theo Geoger Magnus, thành viên viện nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Oxford. Nhưng những số liệu có thể gây ra những ấn tượng xấu trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tái thiết lại nền kinh tế.
Trên tài liệu, tiêu dùng đóng góp đến 78% tăng trưởng nền kinh tế trong 3 quý vừa qua, trong khi con số này của năm ngoái là 64,5%. Trên thực tế, một sự tái cân bằng rõ rệt đã xảy ra, khi tốc độ tăng trưởng của đầu tư và xuất khẩu sụt giảm nhanh hơn mức tăng trưởng của tiêu dùng.
“Cấu trúc nền kinh tế sẽ có những chuyển biến tích cực, nhưng điều này chỉ xảy ra trong bối cảnh tăng trưởng GDP cũng ở mức thấp”, Magnus chia sẻ.
Tại sao phải tiết kiệm
Phần lớn những người đượchỏi đều cho rằng lối sống tiết kiệm của họ bị ảnh hưởng bởi sự leo thang của giá cả. Lạm phát cũng như giá nguyên vật liệu tăng đã khiến cho chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 2,1% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2017 và không có dấu hiệu nào cho thấy đà tăng này chững lại.
Trong tháng 9, giá cả đã tăng 2,5% so với năm ngoái, mức tăng cao nhất từ kỳ nghỉ Tết Âm lịch vào tháng 2.
Một văn phòng bất động sản tại Phố Đông, Thượng Hải. Ảnh: Sanmiao Photo.
Với Vương Nhân, việc giá cả leo thang có thể được cảm thấy ngay cả khi anh cạo râu. Vào năm 2017, Vương Nhân chỉ phải bỏ ra 20 nhân dân tệ để mua một chiếc dao cạo. Bây giờ, anh phải trả thêm 2 nhân dân tệ. Và để đối phó với vấn đề này, anh quyết định thay dao cạo râu 3 tuần một lần thay vì 2 lần một tháng như trước.
Khoản 2 nhân dân tệ tăng lên nghe có vẻ không quá lớn nhưng nếu cộng dồn các khoản tăng giá của thức ăn, quần áo và nhiều nhu yếu phẩm khác thì mức tăng chi tiêu có thể lên đến 10% trong năm nay. Vương Nhân chia sẻ: “Mức tăng thu nhập của chúng tôi không bì kịp với tốc độ tăng giá của thị trường. Chúng tôi đã phải rất hạn chế việc mua sắm”.
Trong khi đó, giá nhà cao tại các thành phố lớn đang làm thu hẹp túi tiền của người Trung Quốc. Mặc dù đã chuyển đến sống tại một khu vực có chi phí thuê nhà rẻ hơn, việc thuê một căn hộ 1 phòng ngủ ở Thượng Hải vẫn tiêu tốn của Vương Nhân 3.600 nhân dân tệ mỗi tháng, tương đương 1/3 thu nhập sau thuế của anh.
“Nếu như giá thuê nhà thấp hơn, tôi và bạn gái sẽ dành nhiều hơn cho việc giải trí”, Vương Nhân của sẻ.
Chỉ số CPI của Trung Quốc so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những ai có nhu cầu sở hữu một căn nhà riêng, ngân sách cho chi tiêu hàng ngày thậm chí còn eo hẹp hơn. Người dân khu vực thành thị ở Trung Quốc có mức thu nhập bình quân 29.599 nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm, tăng 7,9% so với năm trước đó. Tuy nhiên, con số đó chỉ đủ mua 2 m2 diện tích một căn hộ mới xây tại nhiều thành phố, nơi mà giá bình quân cho 1 m2 lên đến 13.000 nhân dân tệ vào tháng 8, theo E-house - một công ty khảo sát có trụ sở tại Thượng Hải.
Khi nhiều gia đình đang chịu áp lực về giá cả leo thang thì việc làm cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Chỉ số việc làm của Trung Quốc – được tính dựa trên nhu cầu tuyển dụng nhân công, luôn trong trạng thái tiêu cực trong năm nay, nguyên nhân chính là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một số công ty Trung Quốc đại lục đã chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Nhà sản xuất đồ điện tử GoerTek, nhà cung cấp chính cho Apple, đang cân nhắc tiến hành chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để không chịu ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan. Công ty này hiện có 26.000 công nhân đang làm việc tại Trung Quốc.
Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm các nguồn thu nhập phụ. Trong đó có Quách Lệ Diễm, người dẫn chương trình phát thanh năm nay 48 tuổi sống tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Cô đã rất vất vả để duy trì cuộc sống từ khi thị trường tài chính Trung Quốc thoái trào vào năm nay.
“Lương của tôi không đủ để bù đắp các khoản chi tiêu.Tôi đã phải đánh cược vào tiền lãi thu được từ các khoản đầu tư để duy trì cuộc sống”, bà Quách chia sẻ.
Thị trường tài chính Trung Quốc đã mang lại cho bà nhiều lợi nhuận, nhưng cho đến gần đây, việc cho vay ngang hàng lấy lãi- hình thức yêu thích của bà để đầu tư khoản tiền tiết kiệm của mình, đã sụp đổ. Bà Quách mất trắng khoản đầu tư trị giá 370.000 nhân dân tệ khi mà bên trung gian thứ 3 đã bỏ trốn với khoản tiền của bà, một số đầu mối khác lại trì hoãn trong việc hoàn lại tiền.
Nhiều phương án đầu tư khác cũng được đánh giá không an toàn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc diễn biến tệ nhất năm nay với chỉ số CSI 300 giảm 20% trong 10 tháng đầu năm.
“Tôi không dám đầu tư vào bất kỳ một sản phẩm tài chính nào nữa. Tôi sợ lắm rồi”, bà Quách nói. Nhưng nếu không có sự trợ giúp của các khoản đầu tư mạo hiểm kia, bà sẽ không thể mua sắm ở Sam’s Club- một thương hiệu bán lẻ cao cấp điều hành bởi Walmart.
Bà cũng phải từ bỏ thói quen tiêu dùng những mặt hàng xa xỉ. Vào thời kì đỉnh cao, bà đã từng mua đến hơn 10 chiếc túi xách. Louis Vuitton là thương hiệu ưa thích của bà. Năm nay, khoản tiền lớn nhất bà bỏ ra chỉ là 3.000 tệ cho một chiếc máy ép hoa quả mà thôi.
Sự thật phũ phàng về tình hình tài chính của bà Quách thậm chí cũng được “cảm nhận” bởi những con mèo của bà. Nếu như trước kia, chúng là khách hàng của Royal Canin, thương hiệu thức ăn dành cho thú nuôi nhập khẩu từ Pháp, thì giờ đây, đàn mèo 4 con này chỉ được ăn loại thức ăn sản xuất tại Trung Quốc. Điều đó giúp bà tiết kiệm được 150 nhân dân tệ hàng tháng.
Tháng 10 vừa qua, chỉ số về tiêu dùng tùy ý của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016, theo khảo sát của FT Confidential Research. Cuộc khảo sát cũng cho thấy rất ít người có ý định gia tăng mức chi tiêu trong vòng 6 tháng tới, góp phần hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng vừa qua.
Xu hướng trên có thể thấy rõ ngay trong trung tâm thành phố Thượng Hải, nơi mà trung tâm thương mại xa hoa Citic Square đang rất vất vả để tìm kiếm khách hàng. Trên tầng 5, những nhà hàng có rất ít thực khách, trong khi cửa hàng tiện lợi Family Mart lại luôn ở trong trạng thái tấp nập. Tại khu vực ăn uống của cửa hàng có rất đông người đang tận hưởng bữa trưa và có một hàng dài các khách hàng khác đang đứng trước quầy thu ngân.
Một người đàn ông quét mã QR để thuê xe đạp. Giá thuê có lúc chỉ 0,5 nhân dân tệ mỗi 30 phút. Ảnh: Cui Nan.
Tường Gấm, nhân viên văn phòng 24 tuổi, cho biết cô hay lui tới Family Mart thường xuyên vì “chỉ tốn 10 nhân dân tệ cho bữa trưa”.
Cô cùng đồng nghiệp từng có những bữa ăn trong nhà hàng nhưng điều đó lại trở nên xa xỉ trong thời gian gần đây. “Tôi cảm thấy thật phí phạm khi tiêu đến 50 nhân dân tệ cho một bữa ăn trưa”.
Vẫn sẵn sàng chi tiền
Không phải người Trung Quốc nào cũng cắt giảm chi tiêu. Ở những vùng nông thôn, nơi có thể coi không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thuộc nền kinh tế, người dân lại sẵn sàng mở hầu bao hơn. Trong bối cảnh người dân khu vực nông thôn của Trung Quốc vẫn kém xa khu vực thành thị về sức mua, chi tiêu bình quân đầu người của họ lại tăng 12% trong 3 quý đầu năm. Trong khi đó, con số này chỉ đạt 6,5% ở khu vực thành thị.
Chu Phong Phi là một doanh nhân người địa phương tại Thiểm Tây, đông bắc Trung Quốc. Với xu hướng bùng nổ mua sắm trực tuyến đang lan rộng, anh Chu đã đi tắt đón đầu và tạo dựng một cửa hàng trực tuyến riêng, nơi anh bán các mặt hàng như lựu, khoai lang và các sản vật địa phương khác.
Thu nhập của Chu tăng nhanh chóng và mức chi tiêu của anh cũng vậy. Anh Chu giờ đây là khách hàng quen thuộc của trang JD.com, một chợ trực tuyến của Trung Quốc, nơi bán các loại hàng hóa chất lượng cao và tương đối đắt đỏ. Tháng 6, anh Chu đã mua một chiếc điều hòa nhiệt độ với giá 6.000 tệ. Anh cũng dự định cho gia đình đi nghỉ vào năm nay.
Du lịch, bên cạnh đó là giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, là 3 trong số nhiều ngành duy trì được đà phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống. Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần trong tháng 10, 7 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, tăng 1 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc lại có xu hướng chi tiêu ít hơn.
Thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người Trung Quốc qua các năm (đơn vi: nghìn nhân dân tệ).
Hoàng Tín Đình, một phiên dịch viên ở tỉnh Phúc Kiến, gần đây thay đổi địa điểm du lịch từ Hungary sang Indonesia. Với mức chênh lệch 4.000 tệ, Anh Thư, một giáo viên tại Quảng Châu đã chọn Sri Lanka thay vì Hokkaido, cho dù cô đã mong ước được ghé thăm hòn đảo của Nhật Bản trong hàng năm trời.
Một bộ phận người Trung Quốc quyết định cắt giảm chi tiêu mặc dù tình hình tài chính của họ sáng sủa hơn. Trương Chiểu Huy, chuyên viên quan hệ công chúng tại Bắc Kinh, được tăng lương lên đến 30% vào năm nay những lại quyết định cắt giảm chi tiêu.
“Tôi không gặp phải những vấn đề về tài chính nhưng tôi rất quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc”, cô chia sẻ. Công cuộc tìm nhà gần đây đã giúp cô nhận ra giá cả tiêu dùng đã tăng nhanh đến mức nào. Năm 2017, cô chỉ phải trả 4.600 tệ cho 1 căn hộ 1 phòng ngủ. Năm nay, con số phải trả cho 1 căn hộ tương tự lên đến 5.200 tệ.
“Giá thuê nhà tăng không ảnh hưởng đến sức mua của tôi nhiều lắm, ít nhất là cho đến bây giờ, nhưng nó khiến tôi có nhiều lo lắng”. Để tiết kiệm phòng những lúc cần đến, cô gái 30 tuổi này dần từ bỏ thói quen ăn trưa bên ngoài bằng việc mang những hộp thức ăn trưa đi làm ít nhất 3 ngày trong tuần. Cô không di chuyển bằng taxi nữa, thay vào đó, cô đi bộ đi làm.
“Tôi cũng đang cân nhắc không mua thêm quần áo mới vào mùa đông này”, cô chia sẻ.
Sự thay đổi chóng mặt hành vi của người tiêu dùng đang dấy lên những lo ngại cho Bắc Kinh. Tháng 9, chính phủ Trung Quốc cố gắng xây dựng các cơ chế nhằm thúc đẩy tiêu dùng, tiếp nối chính sách nâng hạn mức nộp thuế thu nhập cá nhân từ 3.500 nhân dân tệ lên 5.000 nhân dân tệ ban hành trong tháng 8.
“Nhưng phần tiền chúng tôi nhận thêm về hàng tháng thì chẳng thấm vào đâu”, cô Trương chia sẻ.
Ở Thượng Hải, Vương Nhân cũng đồng tình với ý kiến đó. “Chính sách thuế mới giúp tôi có thêm 500 nhân dân tệ mỗi tháng nhưng một bữa ăn ngon ở Thượng Hải cũng đã có giá lên đến 300 nhân dân tệ rồi”, anh cho biết.
Trong khi chính sách mới cho phép người nộp thuế Trung Quốc giảm các khoản chi phí như lãi thế chấp và giáo dục cho trẻ em, Vương Nhân chia sẻ anh không muốn thụ hưởng những ưu đãi đó quá sớm.
“Giá trị tài sản 'trên trời' của Trung Quốc đã làm nản long nhiều người, trong đó có cả tôi, với mong muốn mua cho mình một căn nhà và lập gia đình. Đối với tôi và bạn gái, việc có một chú cún vào lúc này là quá đủ rồi”, Vương Nhân cho biết.
Theo Nikkei Asian Review