Ngày 18-2, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý (BQL) cảng Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thông tin những chuyến tàu làm nghề lưới rê cập cảng cá Hòn Rớ vào đầu năm mới mang theo hàng chục tấn cá ngừ sọc dưa khiến cả khu cảng rộn ràng. Hy vọng năm nay ngư dân sẽ được mùa được giá.
Cá đầy khoang
Ngư dân Võ Ngọc Tùng, ủy viên Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang), với 2 tàu cá hành nghề lưới rê, phấn khởi cho biết chuyến biển đầu năm, tàu ông cập cảng với hơn 10 tấn cá ngừ sọc dưa, cá chù…, thu về 300 triệu đồng. "Tàu về cá đầy khoang ai cũng vui, chia ra bạn bè mỗi người cũng được hơn chục triệu đồng. Đầu năm mà có lộc vậy là sướng rồi, chỉ mong sao cả năm ngư dân đều thuận buồm xuôi gió, được mùa được giá vươn khơi bám biển" - ông Tùng mong muốn.
Tương tự, ngư dân Huỳnh Hóa, chủ tàu KH 95918 TS (ngụ phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang), giong thuyền chỉ hơn 15 ngày xuyên Tết đã đánh bắt khoảng 10 tấn cá ngừ sọc dưa. Đây là số cá tại các ngư trường Trường Sa, Nhà giàn DK1… được ông ghi chép từng mẻ lưới, sản lượng đầy đủ để đáp ứng truy xuất nguồn gốc hải sản.
Theo Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), chuyến biển xuyên Tết, toàn tỉnh có 130 tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài bám biển. Đến thời điểm này, các tàu bám biển thuận lợi, an toàn. Hiện nay, Khánh Hòa sẽ tiếp tục hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ để đáp ứng điều kiện khai thác trên các vùng biển xa, vùng viễn dương.
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào EU có những chuyển biến tích cực. Trong đó, đáng chú ý nhất là hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp ưu đãi 0% thuế. Ông Nguyễn Văn Dự, Ban Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (doanh nghiệp tiêu biểu trong xuất khẩu thủy sản ở Khánh Hòa), cho biết hiện phía EU và các thị trường khác, sản phẩm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khá ổn định. Các đơn hàng được xuất khẩu đều đặn, đúng tiến độ. Do đó, doanh nghiệp trong nước đang tăng cường thu mua nguyên liệu hải sản để phục vụ cho việc chế biến, xuất khẩu. Ngư dân có thể an tâm về mặt đầu ra và giá cả.
Còn tại Quảng Ngãi, ngư dân ở huyện Bình Sơn, thị xã Đức Phổ… cũng bội thu với những chuyến biển khai trương năm mới. Trung bình mỗi tàu đi xuyên Tết khoảng 10 ngày thu về từ 4-5 tạ hải sản các loại.
Nông dân ĐBSCL phấn khởi trước vụ mùa bội thu về sản lượng lẫn giá cả. Ảnh: NGỌC TRINH
Giá lúa cao nhất trong 10 năm qua
Những ngày trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL rất phấn khởi trước vụ mùa bội thu cả về sản lượng lẫn giá cả.
Vừa bán xong khoảng 700 tấn lúa, ông Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) kể: "Vụ đông xuân năm nay, tôi gieo sạ trên diện tích 10 ha giống Đài Thơm 8, với năng suất 7 tấn/ha, thu hoạch được khoảng 70 tấn. Thương lái đến tận ruộng thu mua hết mấy ngày giáp Tết và những ngày sau Tết với giá 6.900 đồng/kg. Trung bình mỗi công, tôi lời khoảng 2,5 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi ăn Tết lớn!". Theo ông Lý, vụ đông xuân này giá lúa đang cao hơn khoảng 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ, đây là mức giá cao nhất trong 10 năm qua.
Ông Lê Văn Hồng (ngụ xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), vừa bán xong 2 ha lúa OM 5451 với giá 6.900 đồng/kg, chia sẻ: "Sau Tết tôi mới nhận tiền cọc của thương lái nên bán mỗi giạ lúa cao hơn những hộ lấy cọc trước từ 300 đồng/kg. Nếu duy trì ở mức giá này thì chắc chắn nông dân sẽ khá lên từ cây lúa".
Tại TP Cần Thơ, lúa đông xuân 2020-2021 xuống giống được 77.171 ha, vượt 1,15% kế hoạch. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhận định giá lúa đang ổn định và nông dân có lời. Tính đến hôm nay, thương lái đặt cọc tăng so với những ngày trước đó. Hiện tại, nông dân đã nhận cọc bán lúa đông xuân với chi phí 500.000 đồng/công. Ở quận Thốt Nốt, nông dân đã bắt đầu thu hoạch với giá bán lúa tươi tại ruộng giống IR 50404 từ 6.200-6.500 đồng/kg.
Tại Tiền Giang, vụ mùa đông xuân 2021, nông dân toàn tỉnh xuống giống được trên 50.000 ha, đạt 97,4% chỉ tiêu. Hiện nay, nông dân địa phương đã thu hoạch đầu vụ được khoảng 1.000 ha, tập trung ở vùng dự án "Ngọt hóa Gò Công phía Đông". Những ngày tới sẽ bắt đầu thu hoạch rộ và dứt điểm trước khi mùa khô hạn và xâm nhập mặn vào cao điểm.
Không còn lúa để bán - mua
Theo các thương lái, hiện nay giá lúa vẫn còn tiếp tục tăng nhưng lượng mua vào không còn do người dân đã lấy cọc hết, không còn lượng bán ra. Ông Hồ Hồng Hân, thương lái thu mua lúa thuộc tỉnh Tiền Giang, cho hay ông đang cần khoảng 200 tấn lúa tươi để sấy rồi xay ra gạo nhưng đến thời điểm này đã hết lúa. Mặc dù mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng đa phần bà con đã nhận tiền cọc trước nên không còn lúa để mua.