Với trẻ em Mỹ, cứ mỗi cuối tuần là khoảng thời gian các em đi gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao, đi đến trung tâm mua sắm hoặc chơi trò chơi điện tử. Còn với Steven, một học sinh 9 tuổi tại một trường công ở Bắc Kinh - Trung Quốc, buổi tối thứ Sáu của em dành để học toán tại một trung tâm gia sư do tập đoàn TAL quản lý. Vào ngày thứ Bẩy, em phải tiếp tục học tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Mẹ của em cho biết em thích môi trường học tập ở TAL, nơi lớp học luôn sinh động và học sinh thường được chơi trò chơi trong khi học chứ cha mẹ em không bao giờ bắt con học.
Tất nhiên chẳng ai phải ép con học, bởi tất cả học sinh trung học Trung Quốc đều thừa hiểu rằng việc thi được điểm cao trong các bài thi quốc gia quan trọng đến thế nào. Những em nào không học được cuối cùng có thể sẽ không có học vấn và chẳng có sinh kế nào.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ sẵn sàng dốc tiền và thời gian cho con. Cha mẹ của những em như Steven phải tiêu tốn khoảng 20 nghìn nhân dân tệ, tương đương 3.214 USD/năm cho chương trình gia sư để có thể đảm bảo được tương lai tươi sáng cho con họ.
Tham vọng đó đã biến những công ty kinh doanh dịch vụ giáo dục kiểu như TAL, công ty cung cấp dịch vụ gia sư lớn nhất, trở thành những máy kiếm tiền. Tuy nhiên, vị thế của công ty cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ Trung Quốc muốn giảm bớt áp lực học đường và khuyến khích tính sáng tạo của học sinh. Mục tiêu chính: những chương trình gia sư mà TAL cung cấp.
TAL là 3 chữ viết tắt của Tomorrow Advancing Life. Phương pháp giảng dạy của TAL kết hợp giữa việc kèm cặp và hướng dẫn trực tuyến, giáo viên trên khắp Trung Quốc có thể tiếp cận với phòng học đa chức năng, ước tính năm nay TAL đang cung cấp dịch vụ gia sư cho khoảng 1,9 triệu học sinh – con số cao gấp đôi so với số học sinh đăng ký vào học hệ thống trường công lập ở thành phố New York Mỹ.
Hiện nay, TAL có khoảng 600 điểm kinh doanh dịch vụ giáo dục, số lượng đăng ký trực tuyến và trực tiếp tăng khoảng 49%/năm. Doanh thu của TAL trong năm tài khóa gần nhất đạt 1,72 tỷ USD. Đến ngày 12/6/2018, cổ phiếu TAL đã tăng 27 lần so với khi TAL tiến hành IPO vào tháng 10/2010, giá trị thị trường của TAL đạt 25 tỷ USD.
Không ai hưởng lợi từ việc cổ phiếu TAL tăng hơn ông Zhang Bangxin. Nhà sáng lập của TAL, cựu giáo viên toán 37 tuổi giờ đây đã trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Tổng giá trị cổ phiếu TAL mà ông nắm giữ hiện được định giá hơn 7 tỷ USD.
Anh Zhang không có một xuất thân hoành tráng. Cha mẹ của Zhang quản lý một cửa hàng mì ăn liền ở khu vực nông thôn tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Zhang học hành thông minh và theo học ngành khoa học cuộc sống tại trường đại học Bắc Kinh danh tiếng.
Anh đi dậy gia sư để kiếm tiền đỡ đần cha mẹ, và sau này bỏ học để phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ gia sư. Giờ đây, công việc kinh doanh của Zhang đã trở thành một đế chế.
Những học sinh cố gắng thi vào trường top đầu của Mỹ đối diện với không ít khó khăn với các bài thi xếp lớp hoặc thành tích hoạt động cộng đồng. Thế nhưng khó khăn mà họ đối mặt chẳng là gì nếu so các bài thi của học sinh Trung Quốc: thi đầu vào trường cấp ba hay bài thi vào đại học. Kết quả học tập đến đâu sẽ quyết định không chỉ việc học sinh đó sẽ đi học trường nào và liệu học sinh đó có vào được đại học sau này hay không.
Theo nhiều ý kiến, các bậc cha mẹ Trung Quốc sẽ không thể bỏ được văn hóa học vấn khắt khe đã tồn tại đến 1.300 năm nay ở Trung Quốc, các viên chức chính phủ được lựa chọn dựa trên các bài thi khắt khe.
Và về phía chính phủ, dù có bao nhiêu ý kiến về việc giảm áp lực học hành cho học sinh, chính phủ vẫn không thể loại bỏ yếu tố đã khiến các bậc cha mẹ Trung Quốc lo lắng: các kỳ thi vào cấp 3 và đại học đầy khó khăn. Theo khẳng định của chuyên gia tư vấn giáo dục đồng thời là giám đốc tại Gaosi Education, ông Otis Shi: “Sự thật là điểm số vẫn là tất cả”.