Trong một tuyên bố gửi đến truyền thông trong nước ngày 14/6 nhằm bác bỏ cảnh báo về một vụ rò rỉ phóng xạ, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn tại tỉnh Quảng Đông khẳng định, theo dữ liệu giám sát môi trường được thực hiện liên lục tại đây, tất cả các chỉ số của nhà máy và môi trường xung quanh đều bình thường.
CGN cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động thương mại, Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đã tuân thủ nghiêm ngặt giấy phép hoạt động và quy trình kỹ thuật khi vận hành các lò phản ứng. Tất cả các chỉ số vận hành hai tổ máy phát điện của nhà máy đều phù hợp với quy định về an toàn hạt nhân và quy chuẩn kỹ thuật của nhà máy điện.
Tuyên bố của CGN đưa ra sau khi hãng CNN của Mỹ cho biết chính phủ nước này đang đánh giá về sự cố rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, một liên doanh giữa gã khổng lồ năng lượng Pháp Électricité de France (EDF) và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN).
Theo các chuyên gia Trung Quốc, các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 của Trung Quốc, mà đại diện là Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn và công nghệ Hoa Long 1, có tiêu chuẩn an toàn cao hơn so với các lò phản ứng thế hệ thứ 2 hiện đang sử dụng phổ biến ở châu Âu và Mỹ.
Tuyên bố của CGN cho biết, Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn gồm 2 tổ máy phát điện EPR có công suất 1.750 megawatt do CGN và Tập đoàn EDF liên doanh đầu tư, xây dựng và vận hành. Một trong số đó đã đi vào hoạt động thương mại hồi tháng 12/2018, tổ máy thứ hai bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 9/2019. Tổ máy số 2 này đã được đại tu theo kế hoạch và hòa lưới thành công vào ngày 10/6/2021.
Hiện tại, CGN nắm giữ 70% cổ phần trong Công ty liên doanh điện hạt nhân Đài Sơn, trong khi phần còn lại do EDF nắm giữ.