Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây công bố các điều khoản vốn đã được lên kế hoạch từ lâu, được gọi là "danh sách các thực thể không đáng tin cậy". Hiện tại, tài liệu này vẫn chưa nêu cụ thể danh sách các doanh nghiệp, nhưng cũng có nội dung tương tự như "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ.
Michael Hirson – chuyên gia tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho hay: "Bắc Kinh sẽ đưa ít nhất 1 công ty Mỹ vào danh sách này từ nay đến cuối năm thậm chí là trong những ngày tới. Họ sẽ sử dụng công cụ này có mục tiêu, đặc biệt là ở giai đoạn đầu."
Ông nói thêm: "Việc chuẩn bị công bố danh sách các công ty không đáng tin cậy nhấn mạnh thế tiến thoái lưỡng nan của các tập đoàn đa quốc gia đang phải đối mặt ở Trung Quốc. Họ bị ‘trói buộc’ bởi 1 bên là các chính sách pháp lý và chính trị Mỹ với đồng minh phương Tây, 1 bên là Bắc Kinh."
Bộ Thương mại Mỹ lần đầu tiên công bố danh sách này vào tháng 5/2019, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Trump cho biết đã đưa "gã khổng lồ" Huawei vào danh sách đen, cấm công ty này làm ăn với các nhà cung cấp của Mỹ. Theo đó, động thái mới của Bắc Kinh được đưa ra với lý do các công ty, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài có thể là mối nguy hiểm đối với "chủ quyền quốc gia, an ninh hoặc lợi ích phát triển của Trung Quốc."
Các cơ quan quản lý Bắc Kinh cũng có thể đưa thêm một số doanh nghiệp nước ngoài vào danh sách đó nếu họ ngừng thực hiện "những giao dịch thông thường: hoặc có "những biện pháp phân biệt đối xử" với một doanh nghiệp Trung Quốc. Đây là động thái được coi là "vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường và gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân khác của Trung Quốc."
Thông tin trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hậu quả đối với một công ty được đưa vào danh sách này có thể bao gồm: hạn chế hoặc cấm giao thương, đầu tư liên quan hoặc giấy phép du lịch, làm việc tại Trung Quốc."
Việc công bố danh sách đen được đưa ra 1 ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo lệnh cấm người dân Mỹ sử dụng WeChat và TikTok. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố đăng tải trực tuyến rằng danh sách các thực thể không đáng tin cậy sẽ không nhắm đến 1 quốc gia hay thực thể cụ thể, nhấn mạnh rằng nước này vẫn chào đón hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài.
Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc nhận định về động thái này: "Các quy định về danh sách thực thể không đáng tin cậy cho thấy rằng quy định này sẽ được áp dụng rộng rãi. Chúng tôi hy vọng rằng việc sử dụng danh sách này sẽ được hạn chế đáng kể."
Trong báo cáo của Eurasia, Hirson cho biết các động thái của Bắc Kinh có thể sẽ tập trung vào các sản phẩm có đối thủ cạnh tranh trong nước và làm gián đoạn đến hoạt động nhập khẩu các sản phẩm mà ngành công nghệ nước này cần. Theo công ty tư vấn, các mục tiêu có thể bị nhắm đến bao gồm: Cisco, Dell, HP, Lockheed Martin và Rockwell Collins.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết 1 số mục tiêu khác cũng có khả năng rơi vào "tầm ngắm" đó là:
● Apple và Microsoft – có mức độ phủ sóng rộng rãi trên toàn cầu và phổ biến tại Trung Quốc.
● Qualcomm và Intel/AMD – những nhà cung cấp linh kiện quan trọng, có nỗ lực mạnh mẽ để thiết lập mối quan hệ tích cực tại nước này.
● Boeing – bán máy bay trực thăng cho Đài Loan và đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng không của Trung Quốc.
Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang trong 2 năm vừa qua, từ thương mại đã lan sang cả lĩnh vực công nghệ và tài chính. Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng áp lực từ phía Mỹ sẽ tăng lên khi cuộc bầu cử tổng thống bắt đầu vào tháng 11. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden giành chiến thắng, thì mối quan hệ song phương cũng có thể không được xoa dịu.
Tham khảo CNBC