Theo thông báo đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2017, Trung Quốc đã tiến hành cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, bao gồm nhựa và giấy chưa phân loại, từ ngày 1/1 - một nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và sức khỏe lớn ở nước này.
Bối cảnh
Từ những năm 1980, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, thu mua hơn một nửa lượng phế liệu nhựa toàn cầu trong năm ngoái.
Theo thống kê của Cục Tái chế Quốc tế, Trung Quốc nhập khẩu 7,3 triệu tấn chất thải nhựa trong năm 2016, chủ yếu từ châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, do nhu cầu trong nước tăng còn chi phí tái chế và sản xuất thấp hơn. Vì vậy, ngành công nghiệp tái chế khổng lồ của quốc gia châu Á rất phát triển, tạo ra nhiều vật liệu có thể sử dụng cho các nhà sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, khi WTO công bố lệnh cấm mới của Bắc Kinh vào năm 2017, giá giấy thành phẩm ở Trung Quốc tăng gấp đôi trong bối cảnh nguyên liệu thô trở nên khan hiếm. Ngoài ra, các công ty vận tải biển lớn cũng ngừng nhận giấy phế liệu và hàng nhựa đến sau ngày 31/12/2017.
Mặc dù tái chế có một số lợi ích về môi trường, phế liệu được thu gom để tái chế thường chứa các chất độc hại, có thể thải ra môi trường trong quá trình xử lý. Bên cạnh đó, chính quá trình này cũng tạo ra khí thải. Tuy Trung Quốc cố gắng thắt chặt quy định với chiến dịch "cuộc chiến chống ô nhiễm", các công ty tái chế vẫn tiếp tục đổ chất thải ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước uống. Tình trạng đốt nhựa không được kiểm soát dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng không khí.
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)
Ngoài việc giải quyết những tác động môi trường và sức khỏe của ngành nhập khẩu phế liệu, quy định cũng thúc đẩy các nước xuất khẩu phế liệu áp dụng phương án xử lý tốt hơn. Thay vì tìm kiếm những điểm đến mới để xuất khẩu mặt hàng "đặc biệt" này, chính phủ các nước và khu vực tư nhân có thể phải tìm cách giảm lượng phế liệu được tạo ra.
Ví dụ, trong giai đoạn 2012-2016, Anh chuyển trung bình 65% chất thải nhựa xuất khẩu, nửa triệu tấn mỗi năm, sang Trung Quốc. Gần đây, nước này đưa ra kế hoạch môi trường 25 năm, tập trung chủ yếu vào nhựa và tìm cách “loại bỏ chất thải nhựa có thể tránh được” vào cuối năm 2042. Trên quy mô rộng hơn, Ủy ban châu Âu vừa công bố chiến lược nhựa mới nhằm đảm bảo tất cả các bao bì nhựa có thể tái sử dụng hoặc tái chế vào năm 2030.
Tác động
Lệnh cấm mới là minh chứng cho hướng phát triển mới của Trung Quốc: tập trung vào môi trường và sẵn lòng chấp nhận đánh đổi lợi ích kinh tế, cụ thể là giảm sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế khổng lồ, để ngăn chặn chất độc hại vào nước này. Bước đi này có thể đã khuyến khích sáng kiến tái chế ở những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các nước xuất khẩu phế liệu có thể thích ứng với cú sốc này?