Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản trong tháng 4/2024 đạt hơn 1,88 tỷ USD, giảm 9,1% so với tháng trước đó, và giảm 4,7% so với tháng 4/2023. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường xứ sở hoa anh đào đạt trên 7,56 tỷ USD, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mặt hàng chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể như rau quả, cà phê, than, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may, cao su.... Đáng chú ý, phân bón đang là một trong những mặt hàng được Nhật Bản tích cực nhập khẩu nhất trong những tháng qua.
Cụ thể, trong tháng 4, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 1,195 tấn phân bón , tương đương 536.771 USD, tăng 98,5% về lượng và tăng 91% về kim ngạch so với tháng 4/2023. Giá xuất khẩu trong tháng 4 đạt 449 USD/tấn, giảm 3,56% so với cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng, Việt Nam thu về 6,64 triệu USD với 15.084 tấn phân bón xuất khẩu sang Nhật Bản, tăng mạnh 464,94% về lượng và tăng 417,55% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường xuất khẩu phân bón lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 2,42% về lượng và 2,63% về giá trị.
Giá xuất khẩu bình quân 4 tháng đạt 440,5 USD/tấn, giảm 8,38% so với cùng kỳ 2023.
Trung Quốc là nước xuất khẩu phốt phát lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp urê chính, nhưng kể từ năm 2021, nước này đã áp dụng các biện pháp bao gồm cấp hạn ngạch xuất khẩu và yêu cầu kiểm tra kéo dài đối với thành phần phân bón để hạ giá trong nước. Đến tháng 9/2023, chính phủ tiếp tục yêu cầu một số nhà sản xuất urê hàng đầu của nước này tạm ngừng xuất khẩu.
Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón 6 tháng, từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa .
Điều này đã khiến thị trường phân bón trên toàn thế giới chấn động, đặc biệt là những quốc gia đang phải phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu để đảm bảo sản xuất lương thực thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Do vậy, Nhật Bản đã quyết định chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng để nhập khẩu phân bón .
Năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước. Dự kiến thị trường phân ure thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa sau năm 2024 khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè -Thu sắp tới.
Về tiêu thụ phân bón , Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.