Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 8/2024 đã thu về hơn 87 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với tháng 7. Lũy kế trong 8 tháng nước ta đã thu về hơn 672 triệu USD từ xuất khẩu mặt hàng này, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của thức ăn gia súc từ Việt Nam khi chiếm hơn 40% kim ngạch. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 270 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Mỹ với hơn 88 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước.
Campuchia là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của nước ta ở mặt hàng thức ăn gia súc với hơn 79 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh 3 thị trường chủ đạo này, các quốc gia châu Á khác cũng đang mạnh tay nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam phải kể đến Nhật Bản, Lào, Ấn Độ, Bangladesh,…
Theo báo cáo Triển vọng Nông sản Alltech năm 2023, ba quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới là Trung Quốc (260 triệu tấn), Mỹ (240 triệu tấn), Brazil (81,948 triệu tấn) trong năm 2022. Việt Nam đứng thứ 8 với sản lượng hơn 26 triệu tấn. Thức ăn chăn nuôi của thế giới tập trung tiêu thụ ở 4 quốc gia chính là Trung Quốc, Mỹ, Brazil và Ấn Độ.
Trong nhiều năm nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Phần lớn nông sản nhập khẩu được dùng để nuôi lớn đàn heo khổng lồ của nước này và cung cấp đủ thịt heo cho hàng trăm triệu hộ gia đình. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh nhập khẩu thức ăn gia súc thành phẩm, Trung Quốc thường nhập khẩu lượng lớn đậu nành từ Nam Mỹ và Mỹ, sau đó nghiền thành bột để chế biến thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.
Tại thị trường Việt Nam, báo cáo đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi của công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam (VIRAC) cũng đã chỉ ra rằng với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mở rộng kinh doanh sản xuất.
Những cái tên như vậy có thể kể đến như: Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa ( Singapore), CJ (Hàn Quốc),…
Tuy nhiên ngành thức ăn chăn nuôi hiện nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả về sản lượng và áp lực tiết kiệm chi phí. Nguyên nhân chính của những khó khăn trên là do dịch bệnh, nền kinh tế chưa hồi phục như mong đợi khiến việc sản xuất giảm, tổng sản lượng thức ăn trên thị trường giảm.
Đồng thời, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi của người tiêu dùng giảm cũng làm cho các công ty sản xuất không xác định được nhu cầu cụ thể để hạn chế tình trạng tồn kho.
Các chuyên gia cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, cần khuyến khích sản xuất những loại nguyên liệu mà Việt Nam có lợi thế như trồng và khai thác chế biến rong tảo biển làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi , tăng thuế nhập khẩu một số nhóm nguyên liệu thức ăn bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được như các loại bột khoáng...