Chi tiêu cho đường sắt do nhà nước quản lý là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ qua và kế hoạch này được đưa ra khi Bắc Kinh đặt trọng tâm mới vào việc phát triển nền kinh tế trong nước.
Sự bùng nổ chi tiêu cho đường sắt chưa từng có của Trung Quốc sẽ tiếp tục trong ít nhất 15 năm nữa và chứng kiến mạng lưới cao tốc của nước này có chiều dài gần gấp đôi, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - nhà xây dựng đường sắt thuộc sở hữu nhà nước - đã cho biết trong một bản thiết kế mới được công bố hồi giữa tuần này.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng khoảng 200.000 km (125.000 dặm) đường sắt vào năm 2035, đây là một cột mốc quan trọng mà Trung Quốc thiết lập để đạt được tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình cho một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại.”
Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ tăng 41% chiều dài các tuyến đường sắt xuyên quốc gia, từ 141.400 km hiện nay, bao gồm khoảng 70.000 km đường ray cao tốc có thể đạt tốc độ hơn 250 km/h.
Tính đến cuối tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã có khoảng 36.000 km đường sắt cao tốc - chiếm hơn 2/3 tổng số trên toàn cầu.
Kế hoạch chi tiết đầy tham vọng này đã được công bố vào thời điểm Bắc Kinh đang cố gắng phát triển kinh tế trong nước để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh lâu dài với Mỹ.
Tính đến cuối tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã có khoảng 36.000 km đường sắt cao tốc – chiếm hơn 2/3 tổng số trên toàn cầu |
Việc đầu tư cho đường sắt của nhà nước Trung Quốc là một phần quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Trong nửa đầu năm 2020, đầu tư tài sản cố định vào đường sắt đã tăng 1,2% so với một năm trước đó lên 325,8 tỷ nhân dân tệ (46,9 tỷ USD), mặc dù tổng đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc giảm 3,1% so với cùng kỳ.
Sự bùng nổ đường sắt cao tốc của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2008 khi nước này áp dụng biện pháp kích thích toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dù chi tiêu của Trung Quốc đã giảm xuống kể từ đó nhưng sự bùng nổ xây dựng đường sắt phần lớn vẫn không bị gián đoạn, bất chấp vụ tai nạn tàu hỏa chết người ở Ôn Châu năm 2011, vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Đường sắt Liu Zhijun vì cáo buộc tham nhũng và nợ công ngày càng tăng trong lĩnh vực này.
Việc mở rộng mạng lưới đường sắt của Bắc Kinh không chỉ là một biện pháp ngắn hạn để giúp tăng trưởng kinh tế ổn định mà còn là một chiến lược dài hạn để gắn kết đất nước rộng lớn này vào một thị trường duy nhất.
Larry Hu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Capital - cho biết: Bản thiết kế phản ánh ý định của Bắc Kinh trong việc duy trì tăng trưởng trong nước bằng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
“Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có ba trụ cột: xuất khẩu, bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng” - Hu nó và cho rằng “xuất khẩu không còn có thể dựa vào và đầu cơ tài sản sẽ bị hạn chế, vì vậy đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là trụ cột cuối cùng”.
Đường sắt cao tốc của Trung Quốc là một niềm tự hào của đất nước này và họ đã cố gắng xuất khẩu công nghệ và chuyên môn của mình ra nước ngoài, đặc biệt là cho các quốc gia tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Khẩu hiệu của ông Tập về niềm vui, hay sự trẻ hóa, đã được sử dụng để đặt tên cho các đoàn tàu cao tốc thế hệ tiếp theo. Đây là những công trình được được thiết lập để thay thế hoàn toàn sê-ri Hexie được chế tạo dưới thời của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Trong khi toàn bộ hệ thống đường sắt của Trung Quốc đang mắc nợ rất nhiều thì lại có một số tuyến đường sắt cao tốc, bao gồm cả tuyến nối Bắc Kinh và Thượng Hải, đã bắt đầu hoạt động có lãi. Điều này đã mang đến hy vọng rằng các tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc có thể bền vững về mặt tài chính miễn là có đủ nhu cầu thị trường.
Theo kế hoạch chi tiết mới, tất cả các thị trấn có ít nhất 200.000 cư dân sẽ được kết nối với hệ thống đường sắt vào năm 2035, trong khi mọi thành phố với hơn nửa triệu cư dân sẽ được tiếp cận với các tuyến đường sắt cao tốc.
Ngay cả những thành phố xa xôi nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như Kashgar ở tỉnh Tân Cương và Shigatse ở Tây Tạng sẽ được kết nối với các dịch vụ đường sắt cao tốc vào năm 2035 nếu kế hoạch được áp dụng nghiêm túc.
Shen Jianguang - một nhà kinh tế kỳ cựu của Trung Quốc hiện làm việc cho JD Digits, một công ty con của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com - cho hay: Kế hoạch đường sắt năm 2035 sẽ phục vụ tốt cho Trung Quốc khi có nhiều trung tâm đô thị trên khắp đất nước.
Theo phân tích của vị này, nếu nhìn vào tình hình di cư trong nước trong những năm gần đây có thể thấy một xu hướng rõ ràng là lao động nhập cư từ các khu vực miền Trung và miền Tây sẵn sàng nhận việc ở các thành phố lân cận hơn thay vì đổ về các khu vực ven biển. Nếu nhìn vào những nơi như Tây An và Lan Châu, những thành phố phía Tây này đang nổi lên như những trung tâm kinh tế của khu vực.
“Đó là bản thiết kế cho năm 2035, khi Trung Quốc sẽ giàu có và thịnh vượng hơn nhiều so với hiện nay. Thật hợp lý khi kết nối mọi thành phố với nửa triệu dân vào mạng lưới đường sắt cao tốc, giống như thành phố Frankfurt - nơi đã trở thành trái tim kinh tế của Đức khi dân số của nó chỉ vào khoảng nửa triệu người” - Shen nói.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết nước này sẽ triển khai một loạt công nghệ cốt lõi và quan trọng vào năm 2035, bao gồm các vật liệu đặc biệt cho đường ray và hệ thống điều hành thông minh trên tàu hỏa.
(Theo SCMP / Dân Trí)