Lệnh tương ứng do Bộ Nhà ở, xây dựng thành thị và nông thôn Trung Quốc ban hành quy định giới hạn chiều cao của các tòa nhà chọc trời. Điều này có nghĩa là Tòa tháp Thượng Hải 128 tầng với chiều cao 632 mét sẽ không có các đối thủ cạnh tranh mới.
Bắc Kinh cảm thấy rằng các quan chức thành phố đã quên mất nhu cầu thực sự của người dân khi tăng chi phí tiền bạc và năng lượng cũng như rủi ro an ninh để đầu tư vào các tòa nhà chọc trời. Giới chức Trung Quốc kỳ vọng theo cách này, thay vì xây dựng các “dự án siêu khủng”, các nhà phát triển sẽ chú ý nhiều hơn đến việc cải thiện các thành phố.
Các tòa nhà chọc trời của Trung Quốc đang làm đau đầu giới chức trách và nhà đầu tư. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, các tòa nhà cao tầng dẫn đến tắc đường và ô nhiễm ánh sáng, cũng như gây ra mối đe dọa cho giao thông hàng không.
Theo truyền thông Trung Quốc, “các tòa nhà chọc trời cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn để chịu được động đất, gió lớn hoặc hỏa hoạn. Khi các tòa nhà chọc trời không còn là ‘dự án uy tín’ đối với một số chính phủ, các nhà phát triển sẽ bắt đầu tập trung nhiều hơn vào việc làm cho các thành phố có thể sống được”.
Khi hiệu quả kinh doanh liên tục giảm sút, chủ đầu tư các tòa nhà chọc trời bước vào cuộc chiến sinh tồn. Tháng 6/2021, nhà phát triển bất động sản văn phòng và thương mại hàng đầu Trung Quốc là Soho đã phải bán phần lớn cổ phần cho Blackstone, công ty quản lý tài sản thay thế lớn nhất thế giới, với giá 3 tỉ USD sau 3 năm liên tiếp thua lỗ từ 2018 đến 2020. Một số nhà phát triển khác như Greenland Holding Group đã chuyển trọng tâm từ văn phòng sang nhà ở để giảm tải khó khăn.
Trước đó, cuộc đua nhà chọc trời ở Trung Quốc bắt đầu ngay sau Thế vận hội Olympic 2008 do Bắc Kinh đăng cai tổ chức. Vào thời điểm đó, giới chức tin rằng các tòa nhà cao tầng sẽ tác động tích cực đến hình ảnh của thành phố, cũng như trở thành động lực để phát triển kinh tế.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 88 tòa nhà chọc trời với chiều cao ít nhất 200 mét, sau đó các thành phố bắt đầu cạnh tranh nhau trong việc xây dựng các tòa nhà cao 800 mét. Tuy nhiên, chính quyền trung ương tuyên bố ý định đưa ra các biện pháp hạn chế nên quy hoạch đã thay đổi, hiện nay chiều cao của các công trình đang xây dựng không quá 500 mét.
Theo Bloomberg, trên thế giới có 10 tòa nhà cao hơn 500 mét thì hơn 5 cái nằm ở Trung Quốc đại lục.
Bao gồm, tháp Thượng Hải (632 mét), Trung tâm Tài chính quốc tế Bình An ở Thâm Quyến (599 mét), Trung tâm Tài chính CTF ở Quảng Châu (530 mét), Trung tâm Tài chính CTF Thiên Tân (530 mét) và tháp CITIC ở Bắc Kinh (528 mét).
Trong khi, tòa nhà cao nhất thế giới là Burj Khalifa ở Dubai (UAE), cao 828 mét.