Trung Quốc có dân chủ kiểu Trung Quốc”, ông Dương nói một cách không e dè trong lần đầu tiên gặp nhóm quan chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden. “Nhiều người ở Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ Mỹ, và họ có quan điểm khác nhau về chính phủ Mỹ”, ông Dương nói. Thông điệp của ông rất rõ ràng: Trung Quốc đã khống chế thành công đại dịch COVID-19, chứng tỏ hệ thống của Trung Quốc ưu việt hơn dân chủ kiểu Mỹ.
Tuyên bố tự tin đó cho thấy sự thay đổi căn bản trong động lực của quan hệ Mỹ - Trung, điều mà Trung Quốc đã chờ đợi suốt 120 năm qua, Nikkei Asia bình luận.
Sau cuộc gặp ở Alaska, Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đăng bức ảnh ghép lên mạng xã hội Weibo và được nhiều người dân nước này chia sẻ. Một ảnh trong đó là lễ ký Hiệp ước Tân Sửu giữa nhà Thanh và liên minh 8 quốc gia vào năm 1901. Bức ảnh còn lại là cuộc gặp ở Alaska. Bị buộc phải trả các khoản bồi thường theo hiệp ước bất công, nhà Thanh cuối cùng sụp đổ. Lễ ký Hiệp ước Tân Sửu trở thành một chương đen tối nhất trong lịch sử Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc đã trở lại. Ông Dương và Ngoại trưởng Vương Nghị đi 6.000km đến đất Mỹ để thể hiện điều đó.
Theo Nikkei Asia, với một Trung Quốc tự tin đối mặt với cách tiếp cận mới về chính sách đối ngoại của Mỹ, thế đối đầu giữa hai siêu cường giờ bước sang giai đoạn mới. Nó không chỉ là cuộc cạnh tranh về kinh tế mà còn là quan điểm về thế giới, các nhà phân tích đánh giá.
Mỹ đã chuẩn bị tỉ mỉ cho cuộc gặp này. Trước tiên là hội nghị trực tuyến của lãnh đạo Bộ Tứ, lần đầu tiên quy tụ lãnh đạo Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ. Sau đó, ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sang Đông Á để gặp những người đồng cấp ở Nhật và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.
Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á trong Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng khả năng hợp tác giữa hai nước trong một số lĩnh vực như trước đây giờ trở nên khó khăn hơn nhiều.
“Trung Quốc đang mạnh hơn. Trung Quốc tự tin hơn. Lãnh đạo Trung Quốc quyết liệt hơn. Và Mỹ giờ đang ở vị thế yếu hơn so với cách đây 5 năm”, ông Russel nói với Nikkei Asia.
Có một quốc gia châu Á trong số 8 nước đã tham gia Hiệp ước Tân Sửu. Đó là Nhật Bản. Và Trung Quốc không quên điều đó. Sau lần này, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ gây sức ép với Tokyo, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản vẫn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Vì thế, các kỹ năng ngoại giao của Nhật Bản sẽ bị thử thách.
Tokyo dễ “hứng đòn”
Trong nhiều năm, Bắc Kinh chìa cành oliu với Tokyo khi căng thẳng với Washington không có mấy dấu hiệu hạ nhiệt. Việc Nhật Bản vội vàng tham gia toàn tâm toàn ý với kế hoạch của Mỹ sẽ không mang lại kết quả tốt cho khu vực, một nguồn tin từ Đông Nam Á nhận định với Japan Times. Những bước đi gần đây của chính phủ Nhật Bản “có vẻ thiếu cân nhắc đến Trung Quốc”, nguồn tin nói.
Quan chức ngoại giao giấu tên này cho rằng giờ chưa phải thời điểm tốt nhất để Nhật Bản quá gần Mỹ vì điều đó sẽ chọc tức Trung Quốc, dẫn đến việc Bắc Kinh “gia tăng hành động khiêu khích ở những vùng biển tranh chấp, khiến tình hình khu vực trở nên cực kỳ mong manh”, nhà ngoại giao nói.
Vài ngày trước cuộc gặp ở Alaska, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật chia sẻ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương cũng như số phận Đài Loan. Hiếm khi tuyên bố chung của hai quốc gia nêu thẳng tên Trung Quốc - dấu hiệu cho thấy Tokyo và Washington nâng mức cảnh báo về mối đe dọa mà Bắc Kinh gây ra về quân sự và kinh tế và các vấn đề khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngay lập tức lên tiếng chỉ trích Nhật và Mỹ, nói rằng tuyên bố chung đó “tấn công ác ý vào chính sách đối ngoại, can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ và cố làm tổn hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.