Tháng 8, chính quyền các thành phố Giang Tô, Trường Xuân và Thâm Quyến công bố kế hoạch chi hàng tỷ USD để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm với tổng độ dài khoảng 1.600 km.
Cũng trong ngày 18/9, Bộ Quy hoạch Trung Quốc cam kết sẽ tăng mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như tăng chi tiêu vào các dự án đã được chấp thuận, như là một phần nỗ lực của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang, Reuters cho biết.
Tin tức này được cho là tốt lành đối với các hãng sản xuất thép tại Trung Quốc vốn đang chật vật vì lĩnh vực xây dựng suy yếu và doanh số bán ô tô giảm. “Kế hoạch tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng được phê duyệt chắc chắn sẽ cải thiện triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép cũng như đẩy giá mặt hàng này lên cao hơn”, chuyên gia phân tích Richard Lu tại Công ty CRU cho biết.
Ảnh: Reuters.
Kế hoạch xây dựng hệ thống tàu điện ngầm của ba thành phố Giang Tô, Trường Xuân và Thâm Quyến sẽ cần khoảng 80 triệu tấn thép, tương đương 10% nhu cầu hàng năm của Trung Quốc, theo tính toán của Reuters dựa trên thiết kế tiêu chuẩn hiện nay.
Ngoài đường ray thép có sức bền cao, hệ thống tàu điện ngầm cũng cần có nhiều nhà ga. Vì được xây dựng dưới lòng đất nên những công trình này cần sử dụng thanh cốt thép để gia cố. Các toa tàu cũng phải được làm từ thép tấm hợp kim thay vì nhôm vốn đang được sử dụng cho các loại tàu chạy đường dài.
Tuy nhiên, quy mô của kế hoạch phát triển hạ tầng lần này khó có thể so bì với mức chi tiêu khổng lồ mà Bắc Kinh từng phê duyệt vào 10 năm trước với mục đích bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tăng chi tiêu nhưng Bắc Kinh muốn tránh tình trạng chính quyền các địa phương đua nhau vay nợ để tài trợ cho các dự án hoặc khiến công suất công nghiệp dư thừa lớn hơn.
“Chính phủ chấp thuận các dự án hạ tầng một phần nhằm giảm thiểu rủi ro từ cuộc chiến thương mại và đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định của Trung Quốc. Chính phủ cũng đã nhận thấy rủi ro đằng sau thị trường bất động sản nên đầu tư vào hạ tầng có thể là biện pháp tốt hơn để kích thích nền kinh tế”, ông Lu cho biết.
Hai trong nhiều công ty có thể hượng lợi từ chính sách này là Magan Group, công ty chuyên sản xuất thép và bánh xe lửa và Ansteel Group, công ty sản xuất đường ray. Cổ phiếu của các công ty hạ tầng Trung Quốc bắt đầu tăng sau cam kết của Bộ Quy hoạch.
Những động thái mới này sẽ tạo thêm động lực tăng giá cho thị trường thép, dù sản lượng tại các nhà máy hiện đã đạt kỷ lục. Giá thép xây dựng giao tháng 1/2019 tại Thượng Hải đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm nay do chính sách hạn chế sản lượng trong lĩnh vực công nghiệp năng của chính phủ.
“Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn nhưng nguồn cung bị thắt chặt vì chính sách giảm sản lượng, giá thép dự báo sẽ tăng mạnh”, chuyên gia tư vấn Sharon Xia tại Wood Mackenzie nói.
Khối lượng giao dịch quặng sắt có thể đạt kỷ lục trong năm nay vì nhu cầu tăng mạnh, Reuters trích lời Chủ tịch You Song của sàn giao dịch quặng sắt lớn nhất Trung Quốc, COREX. “Mục tiêu năm nay của chúng tôi là 36 triệu tấn nhưng chúng tôi có cơ hội để phá mốc 38 triệu tấn”, ông nói. Kể từ tháng 1 đến giữa tháng 9, khối lượng giao dịch trên COREX đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái lên 24 triệu tấn.
Ông cho rằng sản lượng thép tại Trung Quốc sẽ vẫn ổn định nên nhu cầu tiêu thụ quặng sắt cũng ổn định theo.
Theo Reuters