Theo nguồn tin thân cận với giới chức Trung Quốc của tờ South China Morning Post, Bắc Kinh đang cân nhắc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh sức ép từ Mỹ trong chiến tranh thương mại ngày càng lớn.
Theo giới quan sát, với việc gia nhập CPTPP, Trung Quốc có thể chống lại chiến lược bảo hộ "nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc tham gia cùng 11 quốc gia thành viên, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Australia – sẽ giúp Trung Quốc mở rộng các liên kết thương mại và khai thác tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh có nguy cơ bị Mỹ cô lập kinh tế.
Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa từng công khai ý định tham gia hiệp định này. Nước này cũng không đăng ký làm thành viên của hiệp định TPP - tiền thân của CPTPP trước khi Mỹ rút khỏi - vì cho rằng hiệp định này quá phức tạp.
Tuy nhiên, theo nguồn tin trên của South China Morning Post, quan điểm của Bắc Kinh về hiệp định này đang thay đổi, khi vài tháng qua, quan chức nước này đã xem xét các khả năng và tham khảo cố vấn về việc tham gia hiệp định.
Tuần trước, Mỹ, Mexico và Canada đạt được thỏa thuận thương mại mới, trong đó có một điều khoản cho phép Mỹ ngăn căn 2 nước láng giềng có thỏa thuận thương mại tự do với một "một nền kinh tế phi thị trường". Giới quan sát nhận định mục tiêu đó có thể là Trung Quốc.
Theo Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu tại Bắc Kinh, việc gia nhập CPTPP sẽ gửi đi "thông điệp mạnh mẽ" tới thế giới về một Trung Quốc đang tích cực mở cửa và cải cách.
"Gia nhập CPTPP có thể là một công cụ để Trung Quốc đối phó với Mỹ và giúp nước này thiết lập mạng lưới kinh tế mới, ngoài sáng kiến Vành đai và Con đường và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải", Wang nói.
Trước đó, khi hiệp định TPP hoàn tất đàm phán vào năm 2015, Trung Quốc tỏ ra nghi ngại khá nghi ngại. Khi đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama đã nỗ lực để đạt được hiệp định này nhằm giảm sự phụ thuộc của 11 nước thành viên còn lại vào Trung Quốc và mang họ lại gần với Mỹ.
Tuy nhiên, khi nhậm chức vào đầu năm 2017, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp định này, dù sau đó vào tháng 4 cho biết Washington có thể cân nhắc tái gia nhập nếu hiệp định có cải thiện đáng kể.