Trung Quốc đang có những động thái tiến tới đóng cửa ngành công nghiệp đào (mine) tiền ảo Bitcoin ở nước này do những lo ngại về mức độ tiêu thụ điện quá lớn của ngành này và rủi ro tài chính - theo tờ Financial Times. Điều này phản ánh đánh giá của Bắc Kinh rằng tiền ảo sẽ không phải là một ngành chiến lược.
Một tài liệu do Financial Times thu thập được nói rằng một cơ quan liên ngành của Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền các địa phương nước này "tích cực hướng dẫn" các công ty ở địa phương mình rút khỏi lĩnh vực đào tiền ảo. Việc gây sức ép đối với các mỏ Bitcoin diễn ra sau khi Trung Quốc vào năm ngoái ra lệnh đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo trong nước và cấm các vụ gọi vốn thông qua phát hành tiền ảo lần đầu (ICO).
Các mỏ Bitcoin tạo ra những đồng Bitcoin mới bằng cách giải những bài toán phức tạp mà kết quả được sử dụng để hợp thức hóa các giao dịch Bitcoin mới. Về bản chất đây là một quy trình điện toán, nhưng sự phụ thuộc lớn vào sức mạnh của hệ thống máy tính được sử dụng khiến quy trình trở nên giống với sản xuất công nghiệp hơn là một hoạt động công nghệ bậc cao.
Nhiều mỏ đào Bitcoin đã được mở ở những khu vực xa xôi, thậm chí không đăng ký doanh nghiệp. Một số mỏ đã "lách" quy định của Trung Quốc về không cho phép người dùng đầu cuối mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện thay vì mua từ nhà vận hành lưới điện.
Theo ông Liao Xiang, Giám đốc điều hành Lightningasic, một công ty khai mỏ Bitcoin có trụ sở ở Thẩm Quyến, Trung Quốc là nơi khoảng 3/4 lượng Bitcoin trên thế giới được đào. Các mỏ Bitcoin tại nước này đã tận dụng lợi thế giá điện rẻ ở những vùng nhiều than hoặc thủy điện, như Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Trên phạm vi toàn cầu, ngành công nghiệp đào Bitcoin với hơn 161 công ty khác nhau chiếm 0,17% tổng tiêu thụ điện năng của thế giới - theo dữ liệu của Digiconomist.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang sử dụng nguồn vốn nhà nước và một loạt chính sách hỗ trợ nhằm đưa nước này nắm vị trí dẫn đầu thế giới trong những ngành công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy (robot). Tuy nhiên, việc Bắc Kinh mạnh tay với các mỏ đào Bitcoin cho thấy quan điểm rằng họ sẽ không hậu thuẫn ngành tiền ảo.
Hoạt động đào Bitcoin "tiêu thụ một lượng điện lớn, mà lại khuyến khích tinh thần đầu cơ tiền ảo", tài liệu mà Financial Times thu thập được có đoạn viết. Cũng theo tài liệu này, hoạt động đào Bitcoin đi ngược lại những nỗ lực ngăn chặn rủi ro tài chính và cản trở các hoạt động "xuất phát từ nhu cầu thực của nền kinh tế".
Trong bối cảnh Trung Quốc siết kiểm soát, các mỏ đào Bitcoin ở nước này đang tìm cách chuyển hoạt động ra nước ngoài, có thể thông qua mở nhà máy ở nước ngoài hoặc bán lại kinh nghiệm, chuyên môn. Giá điện rẻ và khí hậu mát mẻ để tránh máy tính bị quá nóng là những yêu cầu chính khi chọn địa điểm mở mỏ Bitcoin. Canada, Iceland, Đông Âu và Nga là những điểm đến hứa hẹn.
Giới đào Bitcoin nói rằng Trung Quốc không hẳn là một nơi thực sự phù hợp cho hoạt động này, cho dù giá điện ở một số địa phương có rẻ hơn mức trung bình toàn quốc. Việc Trung Quốc được nhiều mỏ Bitcoin lựa chọn chẳng qua là vì chuỗi cung ứng hoàn chỉnh ở nước này về linh kiện máy tính sử dụng trong quy trình đào tiền ảo.
"Khó khăn ở đây là việc mở mỏ Bitcoin ở các nước khác sẽ mất nhiều thời gian và vốn để xây dựng những trung tâm dữ liệu quy mô lớn", ông Liao nói. "Việc đào Bitcoin tốn quá nhiều điện. Một khu công nghiệp bình thường không thể đáp ứng yêu cầu".