Năm 1984, tôi có chuyến du lịch ngắn ngày tới Trung Quốc, trong tư cách 1 khách "Tây balo" trải nghiệm mọi thứ từ những chiếc xe khách chật chội đến nhà nghỉ không mấy dễ chịu hay những loại thức ăn không được hợp khẩu vị cho lắm. Điểm đến đáng nhớ nhất trong chuyến đi đó là Maxim’s, nơi được coi là nhà hàng duy nhất ở Bắc Kinh có phục vụ đồ Tây với những tách cà phê vị ngọt như mật. Khi đó Trung Quốc đã trải qua 5 năm mở cửa nền kinh tế theo đường lối của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Những hình ảnh về nhà hàng Maxim’s hiện lên trong đầu khi tôi ngồi đợi chuyến bay của mình tại sân bay quốc tế Haikou Meilan hồi tháng trước. Đã có rất nhiều thứ đổi thay. Ngồi nhâm nhi ly cappuccino trong cửa hàng Starbucks, trước mặt tôi là 1 cửa hiệu Jimmy Choo. Ở bên cạnh là 1 núi những thanh socola Lindt, thương hiệu đến từ Thụy Sĩ. Đáng chú ý hơn, những thương hiệu này xuất hiện ở đây không phải chỉ để phục vụ khách du lịch quốc tế. Haikou là 1 sân bay mà những người Trung Quốc bình dân thường xuyên qua lại trên đường ra biển.
Thời gian gần đây, Trung Quốc được thế giới soi xét nhiều hơn qua lăng kính quan hệ thương mại Mỹ - Trung và những dòng tweet hỗn loạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tôi có mặt ở Haikou sau khi nghe bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại diễn đàn Châu Á Bác Ngao, diễn đàn được coi là đối trọng của Trung Quốc đối với diễn đàn kinh tế thế giới Davos do các nước phương Tây chủ trì.
Cam kết mở cửa nền kinh tế
Thành công của ông Tập được phương Tây nhìn nhận qua việc ông thực hiện những cải cách mà mình đã từng tuyên bố đến đâu hơn là những gì ông thực sự phát biểu. Bởi vậy, khi ông Trump lên Twitter khen ngợi những lời nói của Chủ tịch Trung Quốc về thuế quan và những rào cản đối với thị trường ô tô, những nỗi lo của thị trường tài chính về căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phần nào hạ nhiệt.
Có thể coi đây là 1 thành tựu không nhỏ. Nhưng những lời phát biểu của các quan chức hàng đầu Trung Quốc trong phiên họp ngày sau đó là điều đáng chú ý hơn. Yi Gang, tân Thống đốc NHTW Trung Quốc, đã vạch ra một loạt các biện pháp cải cách để chào đón các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư nước ngoài. Thay vì chỉ được lập liên doanh như hiện nay, đến cuối tháng 6 các công ty tài chính nước ngoài sẽ được phép trở thành cổ đông lớn, sau đó là được sở hữu 100% cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc sau 3 năm nữa. Mặc dù Trung Quốc chủ nghĩa tiêu dùng "theo kiểu phương Tây", lĩnh vực tài chính của nước này vẫn rất khép kín và khó có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng bùng nổ của người dân.
Về mặt kỹ thuật thì động thái dứt khoát của Thống đốc Yi tạo ra một lịch trình cải cách cụ thể hơn so với những gì đã từng được công bố tháng 11 năm ngoái. Và mặc dù rất ít người cảm thấy chuyện JPMorgan Chase hay Goldman Sachs được phép hoạt động tự do ở Trung Quốc có nhiều ý nghĩa, giới phân tích lại cho rằng động thái này có thể giúp Trung Quốc đạt được bước tiến vượt bậc về cải cách nền kinh tế, thậm chí có thể so sánh với "vụ nổ Big Bang" mà nước Anh đã thực hiện dưới thời cố Thủ tướng Margaret Thatcher.
Trung Quốc học được gì từ nước Anh?
Khi Thatcher trở thành Thủ tướng năm 1979, trung tâm tài chính London chỉ là một "ốc đảo" với chế độ kiểm soát tỷ giá ngặt nghèo. Ở đây vẫn có thị trường buôn bán euro nhưng thị trường chứng khoán nằm trong tay những nhà môi giới và đầu cơ người Anh. Tuy nhiên cuộc cải tổ được đặt biệt danh là Big Bang đã xóa bỏ rất nhiều luật lệ, cho phép người nước ngoài tham gia và tạo thành trung tâm tài chính London sầm uất hiện đại như ngày nay. Dù bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự kiện Brexit, London vẫn là 1 đối thủ đáng gờm của New York trong cuộc đua tới vị trí trung tâm tài chính thế giới.
Trung Quốc có 1 xuất phát điểm rất khác – hiện đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hệ thống tài chính của nước này cũng đang bị ràng buộc bởi quá nhiều luật lệ giống như London trong quá khứ. Bên cạnh giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là hệ thống cấp phép quan liêu phức tạp và những quy định khắt khe về dòng chảy vốn. Phần lớn ngành này đang thuộc kiểm soát của các doanh nghiệp nhà nước.
Những cải cách của bà Thatcher xuất phát từ cả trong tư tưởng của hệ thống chính trị và cả về mặt kinh tế. Trung Quốc đang có những điều kiện thuận lợi để làm điều này. Hiện trong bộ máy lãnh đạo có không ít những nhà kỹ trị đã được đào tạo ở phương Tây. Đó là Phó Thủ tướng Liu He, người đã tốt nghiệp Harvard với những tư tưởng tiến bộ. Ông Yi cũng từng tu nghiệp ở Mỹ, trong khi người đứng đầu cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Guo Shuqing từng học ở Oxford. Fang Xinghai, nhà kinh tế tốt nghiệp Stanford, hiện đang trông nom quá trình mở cửa TTCK Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, người được Financial Times cho là đứng sau mọi cuộc cải cách kinh tế gần đây của Trung Quốc.
Hiện nay vẫn còn quá sớm để đánh giá về quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc và trong ngắn hạn chúng ta sẽ chưa thể nhìn thấy sự thay đổi. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư nước ngoài sẽ không vội vã nhảy vào Trung Quốc bởi còn rất nhiều thủ tục pháp lý ràng buộc. Hơn nữa nhiều công ty nước ngoài đang cảm thấy khá hài lòng về mối quan hệ hợp tác với các công ty Trung Quốc hiện nay. Theo ước tính của UBS, các công ty nước ngoài chỉ chiếm 1% hoạt động kinh doanh môi giới trên TTCK Trung Quốc tính đến cuối năm 2016. Tỷ lệ trong ngành ngân hàng và bảo hiểm có khá hơn, lần lượt là 1,3% và 5,2%.
Tuy nhiên, các cuộc cách mạng tài chính đều là kết quả của sự tích lũy. Ông Yi đã nói rằng cải cách khu vực tài chính sẽ gắn liền với cải cách đồng nhân dân tệ và cán cân vốn. Tháng 5 năm ngoái, chứng khoán Trung Quốc đã được MSCI thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi. Mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới là rất lớn và bản thân các nhà đầu tư Trung Quốc cũng rất háo hức mang tiền dư thừa đầu tư ra nước ngoài.
Trong tài chính, những hiểu biết về thị trường địa phương đóng vai trò rất quan trọng, nhưng có thể mua được. Ban đầu, các công ty nước ngoài đã thất thế trước những nhà môi giới người Anh khi mới bước chân vào thị trường này, nhưng cuối cùng thì những cái tên nổi tiếng của nước Anh đã chỉ còn là dĩ vãng. Caz giờ là 1 phần của JPMorgan Chase và Morgan Grenfell bị hòa tan vào Deutsche Bank. Ở thời điểm hiện tại thật khó hình dung Trung Quốc sẽ cho phép nước ngoài mua đứt những ngân hàng lớn nhất của mình như Anh từng làm, nhưng có lẽ không cần phải làm quá nhiều đến vậy để có thể thay đổi thị trường Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, vì lý do cạnh tranh, khoảng cách tiền lương giữa các nhân viên ngân hàng Trung Quốc và phương Tây sẽ thu hẹp lại. Người đứng đầu ICBC là ngân hàng lớn nhất Trung Quốc (cũng là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thế giới) được trả lương 100.000 USD/năm trong khi CEO Jamie Dimon của JPMorgan kiếm được số tiền này chỉ trong mỗi 27 giờ đồng hồ.
3 thử thách lớn
Thatcher đã gặp may: bà được dự báo sẽ chỉ tại vị 1 nhiệm kỳ nhưng cuối cùng lại giữ chức Thủ tướng tới 11 năm và trở thành chính khách quan trọng trong lịch sử đương đại Anh. Trong khi đó, các nhà cải cách Trung Quốc đang đối mặt với 3 vấn đề mà họ sẽ cần đến rất nhiều may mắn.
Thứ nhất, về bản chất thì tài chính là 1 ngành kinh doanh có tính chất bùng nổ. Ở Anh đã từng có rất ít ngân hàng tỏ ra vững chãi hơn Barings Bank cho đến khi nó sụp đổ năm 1995 mà nguyên nhân lại xuất phát từ tận Singapore. Không có điều gì là không thể xảy ra.
Thứ hai, các nhà kỹ trị Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với núi nợ khổng lồ được dự báo có thể thổi bùng lên khủng hoảng tài chính. Trong 9 năm qua, lượng cho vay đã tăng ở tốc độ gần 100% GDP, tương dương với tốc độ ở Mỹ thời kỳ trước 2008. Bạn không cần phải đi quá xa bờ biển từ Bác Ngao để có thể nhìn thấy những dự án chung cư còn dang dở. Các ngân hàng che giấu nợ xấu khỏi sổ sách bằng cách thể hiện chúng dưới dạng những công cụ tài chính mơ hồ.
Dọn sạch số nợ xấu này là nhiệm vụ khá khó khăn. Một số người Trung Quốc nói về sự cần thiết phải thực hiện 1 "vụ nổ" có kiểm soát – Chính phủ nên để cho thứ gì đó có ý nghĩa phá sản để cảnh báo các nhà đầu tư và những người đi vay khác. Tất nhiên đây là quyết định rất khó khăn, kể cả đối với Chính phủ Mỹ khi họ để cho Lehman Brothers sụp đổ. Ở Trung Quốc, kể cả các công ty tư nhân cũng có thể tìm kiếm sự bảo vệ từ những nhân vật chính trị.
Điều này lại dẫn đến vấn đề thứ ba. Những nhà kỹ trị rất thông minh nhưng họ không phải là chính trị gia có thể làm tất cả những thứ mình muốn. Để cải cách, Trung Quốc cần đến cả quyết tâm chính trị.
Vì thế vụ nổ Big Bang của Trung Quốc sẽ không thể sớm xảy ra. Nhưng những bước đi đầu tiên sẽ tạo đà cho những thứ to lớn tiếp theo. "Không có lựa chọn nào khác" là câu nói ưa thích của "bà đầm thép" Thatcher. Trung Quốc có dân số đang già hóa nhanh chóng rất cần đến những sản phẩm như quỹ hưu trí và bảo hiểm nhân thọ. Đã đến lúc nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới có một trung tâm tài chính xứng tầm.
Khá kỳ lạ nếu một trong những kết quả gây ra bởi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khơi mào là "đối thủ" của ông phát triển được một hệ thống tài chính phát triển sánh ngang với phương Tây. Nhưng giống như cách mà Bắc Kinh thay đổi từ năm 1984 đến nay, mọi thứ hoàn toàn có thể thay đổi theo cách mà bạn chẳng thể hình dung nổi.