Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba bởi Deloitte, dù cả hai quốc gia đều đang chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo của mạng không dây siêu nhanh, nhưng Trung Quốc đã xây dựng được khoảng 350.000 trạm gốc kể từ năm 2015, còn Mỹ hiện có chưa tới 30.000 trạm.
Báo cáo của Deloitte cũng cho rằng cam kết về mặt kinh tế của Trung Quốc đối với 5G khiến cho họ trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Kế hoạch kinh tế 5 năm của đất nước này, mà theo dự kiến là sẽ kéo dài đến năm 2020, hiện kêu gọi chi 400 tỷ USD cho việc đầu tư 5G.
"Do đó, Trung Quốc và các quốc gia khác có thể sẽ tạo ra đợt ‘sóng thần’ 5G, khiến cho những quốc gia muốn cạnh tranh với họ gần như không thể bắt kịp", báo cáo viết.
Các nhà cung cấp mạng không dây trên toàn thế giới đang chạy nước rút để áp dụng mạng 5G, loại mạng mà sau này sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các xe tự lái, thực tế ảo và các thành phố thông minh.
Vì thế, quốc gia nào xây dựng xong các mạng 5G và vận hành chúng đầu tiên sẽ có lợi thế lớn trong tuyển dụng và đầu tư, cũng như trong việc lưu trữ những dữ liệu có giá trị từ việc kết nối tất cả các loại thiết bị.
Theo Declan Ganley, CEO của công ty viễn thông Rivada Networks, 5G chính là "đại dương xanh sâu thẳm" của thế giới mạng. Công nghệ này có ý nghĩa lớn về mặt chiến lược, đóng vai trò quan trọng hơn cả các tuyến vận tải đường biển hay kiểm soát vùng trời". Báo cáo của IHS Markit nhận định đến năm 2035 công nghệ 5G có thể tạo ra 12.300 tỷ USD cho GDP toàn cầu.
Các quốc gia áp dụng đầu tiên có được lợi thế lớn
"Chúng tôi đang nói về hàng tỷ thiết bị trên cùng một mạng, chứ không chỉ là hàng triệu", Dan Littmann, người đứng đầu Deloitte và là tác giả của báo cáo nghiên cứu cho biết.
Báo cáo của họ lưu ý rằng "các nước đầu tiên áp dụng 5G có thể có được lợi thế cạnh tranh hơn một thập niên".
Một yếu tố quan trọng của việc triển khai 5G là việc lắp đặt các trạm gốc không dây mới, mà nhiều trong số đó phải được đặt trên cột đèn và những loại cột khác trong các khu vực đông dân cư. Theo báo cáo trên, Trung Quốc đã thống trị trên mặt trận đó.
Trong năm 2017, China Tower, nhà điều hành tháp điện thoại di động nhà nước, đã bổ sung khoảng 460 trạm gốc mỗi ngày. Vào thời điểm hiện tại, trong khi Mỹ có chưa tới 5 trạm gốc trên 10.000 dân, thì Trung Quốc đã có hơn 14 trạm.
"Sự chênh lệch tốc độ này là dấu hiệu tốt cho triển vọng của Trung Quốc trong cuộc đua đến 5G", nghiên cứu cho biết.
Hai yếu tố quan trọng khác trong cuộc đua 5G là chi tiêu dành cho nghiên cứu và phát triển, và tốc độ mà chính phủ cấp tần số vô tuyến bổ sung cho các công ty không dây. Các tần số vô tuyến này là cần thiết vì 5G cần băng thông lớn hơn.
Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến mối đe dọa 5G của Trung Quốc
Về nghiên cứu, Mỹ được cho là đang dẫn trước. Các công ty khổng lồ như Intel và Qualcomm đang làm việc để phát triển các công nghệ 5G hàng đầu. Và điều đó đã giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc đua 4G hồi đầu thập niên này.
Tuy nhiên, vào tháng 4, một báo cáo từ CTIA - hiệp hội thương mại của ngành công nghiệp không dây Mỹ - cho rằng Mỹ cần một lịch trình rõ ràng hơn cho việc cấp phát tần số vô tuyến, tương tự như những gì đã được công bố ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Báo cáo đó thấy rằng Trung Quốc là nước được chuẩn bị nhiều nhất để triển khai mạng 5G. Hàn Quốc đứng thứ hai, và Mỹ đứng thứ ba. Nhật Bản đứng thứ tư.
Chính phủ Mỹ đã cho thấy họ nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc.
Đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã chặn thương vụ 117 tỷ USD của Broadcom mua lại Qualcomm sau khi các quan chức Mỹ nêu lên lo ngại rằng việc đó sẽ tạo cho Trung Quốc một lợi thế về công nghệ 5G.
Các nhà cung cấp không dây của Mỹ như Verizon và AT & T, công ty mẹ của CNN, cho biết họ sẽ phát triển công nghệ 5G ở một số thị trường được chọn vào cuối năm 2018.
Bắc Kinh hiện có kế hoạch triển khai 5G trên quy mô thương mại lớn vào năm 2020. Các nhà cung cấp mạng hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ đáp ứng tiến độ này.