Hồi tháng 4, Trung Quốc đã chính thức ban hành quy định mới với những tuyến đường sắt cao tốc không hiệu quả hoặc chỉ mang lại những lợi ích ngắn hạn cho kinh tế địa phương. Chúng được coi là gánh nặng, bổ sung vào các khoản nợ khổng lồ của chính phủ Trung Quốc đang phải gánh khi dồn lực phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tham vọng, Nikkei đưa tin.
Theo quy định mới, nếu một tuyến đường sắt cao tốc đang hoạt động dưới 80% công suất thì tuyến thứ 2 sẽ không được xây dựng. Ngoài ra, hướng dẫn mới cũng nói rằng một tuyến đường sắt cao tốc chỉ nên được xây dựng ở những thành phố có nhiều hơn 15 triệu lượt đi trong và ngoài nước mỗi năm. Trung Quốc cũng muốn giám sát chặt chẽ lưu lượng giao thông và đe dọa trừng phạt những kẻ ngụy tạo dữ liệu liên quan đến đường sắt cao tốc.
Những năm gần đây, việc xây dựng đường sắt cao tốc mới mang lại cho các chính quyền địa phương Trung Quốc một phương thức đơn giản để thúc đẩy các số liệu kinh tế. Điển hình là tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông. Họ lập luận rằng tất cả thành phố trong tỉnh đều nên có đường sắt cao tốc chạy qua nhưng trên thực tế, chúng chẳng mấy phát huy hiệu quả.
Theo số liệu từ Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, số đường sắt cao tốc đã tăng 91% vào năm 2020 so với năm 2015. Nó cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng 7% trong cùng thời kỳ của đường sắt tiêu chuẩn. Đến cuối năm 2020, đường sắt cao tốc đã chiếm 26% tổng mạng lưới đường sắt toàn Trung Quốc.
Việc theo đuổi các dự án đường sắt cao tốc đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, khi chúng không hiệu quả, nó sẽ tạo ra những khoản nợ chồng chất. Thực tế, ngoại trừ một số tuyến huyết mạch như Bắc Kinh – Thượng Hải, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hầu như đều thua lỗ. Chính vì thế, Trung Quốc muốn quản lý lại hệ thống này để nâng cao hiệu quả của các tuyến cũ và hạn chế lãng phí trên những tuyến mới.
Giáo sư Zhao Jian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị hóa Trung Quốc tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho biết, những thay đổi từ Chính phủ cho thấy mục tiêu 5 năm tiếp theo với đường sắt cao tốc của Trung Quốc có thể cũng thay đổi. Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cũng là một trong những doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc bị cắt giảm ngân sách năm 2021.
Theo Tập đoàn này, nguồn vốn từ Chính phủ đã giảm 98% so với năm ngoái do số lượng dự án được Ủy ban cải cách và Phát triển quốc gia phê duyệt giảm. Zhang Dongfu, Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, cho biết nước này sẽ xây dựng 12.100 km đường sắt cao tốc vào năm 2025, giảm 35% so với giai đoạn 5 năm đến năm 2020.
Trung Quốc cũng muốn nợ từ đường sắt cao tốc phải nằm trong "phạm vi hợp lý" vào năm 2035 nhưng không đưa ra con số cụ thể. Tính đến cuối tháng 9/2020, nợ của Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc là 5,57 nghìn tỷ tệ, tương đương 849 tỷ USD. Tỷ lệ nợ trên tài sản của tập đoàn này lên tới 65,8%.
Tham khảo: Nikkei