Trước khi đến với những báo cáo, nghiên cứu và thông số, chúng ta hãy nhìn qua vài địa điểm nông nghiệp tại Trung Quốc để có ấn tượng ban đầu. Đây là những địa điểm dựa trên bản đồ vệ tinh của Google Map.
Địa điểm 1: Vịnh Ninh Đức (Ningde Bay), tỉnh Phúc Kiến (tọa độ 26°43'02.8"N 119°57'45.2"E)
Địa điểm đầu tiên chúng ta sẽ ghé thăm là vùng ven biển tỉnh Phúc Kiến.
Nếu phóng to hình ảnh từ Google Map, chúng ta sẽ thấy hàng triệu những ngôi nhà bè nổi trên mặt biển.
Nếu nhìn quanh vùng ven biển từ tỉnh Chiết Giang tới tỉnh Quảng Đông, chúng ta sẽ thấy những nhà bè nổi ở khắp mọi nơi.
Chúng là những trang trại nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc.
Thay vì ra khơi đánh bắt thủy sản, người Trung Quốc tăng cường nuôi trồng chúng. Không những tiết kiệm được chi phí, giảm rủi ro mà còn tăng thu nhập do nuôi trồng công nghiệp những mặt hàng "hot" như tôm, cua, ghẹ, ngao sò… Không riêng gì ven biển, người Trung Quốc có thể tận dụng bất kỳ vùng nước nào để nuôi trồng thủy sản, từ ao hồ, sông suối cho đến những bãi nuôi nhân tạo.
Hãy tưởng tượng mỗi ô vuông bạn thấy trên hình chứa hàng chục con cá, tôm… Vậy người Trung Quốc tiêu thụ bao nhiêu thủy sản?
Số liệu của EU Science Hub cho thấy toàn thế giới tiêu thụ khoảng 143,8 triệu tấn thủy sản mỗi năm và riêng Trung Quốc chiếm tới 45%, tương đương 65 triệu tấn. Đứng sau đó là Liên minh Châu Âu (13 triệu tấn), Nhật Bản (7,4 triệu tấn), Mỹ (7,1 triệu tấn), Ấn Độ (4,8 triệu tấn).
Như chúng ta thấy, Trung Quốc và Ấn Độ cơ mức dân số gần ngang nhau nhưng lượng tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc cao gấp 12 lần Ấn Độ, kể cả khi Ấn Độ bao quanh bởi nhiều vùng ven biển hơn.
Trong số 65 triệu tấn hải sản Trung Quốc tiêu thụ, chỉ có 15 tấn được đánh bắt ngoài tự nhiên, số còn lại được nuôi trong các trang trại. Trái ngược lại ở Nhật Bản, khoảng 90% thủy sản tiêu thụ là đánh bắt ngoài tự nhiên.
Nhờ những trang trại nuôi trồng thủy sản rộng lớn này mà các hộ gia đình Trung Quốc có thể thưởng thức cá, tôm, ngao sò, ghẹ… với giá rẻ như vậy.
Đây là 1 bữa cơm thường ngày của 1 hộ gia đình bình thường ở đô thị Trung Quốc. Các bạn có thể thấy có rất nhiều hải sản.
Đây là video về 1 gia đình lớn tại Trung Quốc thưởng thức lẩu hải sản. Cả bàn to như vậy chỉ có giả khoảng 120 USD.
Địa điểm 2: Thành phố Nanxun-Hồ Châu-Chiết Giang (tọa độ 30°46'14.5"N 120°09'02.9"E)
Địa điểm thứ 2 là vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn giữa sông Trường Giang, Thái Hồ và sông Tiền Đường. Nhờ nguồn nước ngọt mang theo phù sa từ các con sông mà thổ địa nơi đây đủ phù nhiêu để nuôi sống hơn 100 triệu dân. Khu vực này cũng là 1 trong những vùng đông dân nhất của Trung Quốc, có vị thế địa lý tương tự như thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam vậy.
Tuy nhiên khác với Việt Nam hay những vùng phì nhiêu của Ấn Độ, Bangladesh… vùng đồng bằng này không trồng lúa. Thay vào đó, nông dân Trung Quốc nuôi trồng thủy sản, vừa bán được gia cao hơn lại làm giàu nhanh hơn trồng lúa. Nếu bạn phóng to ảnh, bạn sẽ thấy hàng triệu ao nuôi cá thay vì ruộng lúa tại đây, bên cạnh đó là những cây trồng xanh được phủ xung quanh ao cá.
Những cây này là cây dâu nuôi tằm. Trong hơn 2.000 năm, người Trung Quốc đã phát triển nhiều mô hình sinh thái nông nghiệp bền vững, một trong số đó là mô hình cá-dâu-tằm như hình dưới đây.
Những người nông dân Trung Quốc đã phát triển mô hình cá-dâu-tằm từ hàng nghìn năm trước dù chưa hề biết đến khái niệm "phát triển bền vững". Ngày nay, những mô hình này đã được nâng tầm lên thành nhiều vòng tuần hoàn có thể khai thác trên cùng 1 mảnh đất.
Để nuôi thêm cá trong các ao, nông dân phải sử dụng máy sục khí nếu không cá sẽ chết vì thiếu oxy. Trong hình dưới đây, chúng ta có thể thấy những chấm trắng là máy sục khí giữa ao.
Tuy nhiên để dùng máy sục khí thì cần điện và khá tốn kém, do đó nhiều hộ nông dân Trung Quốc đã sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí.
Nếu nhìn từ ảnh vệ tinh của Google Map, bạn sẽ thấy nhiều vùng nuôi cá của Trung Quốc ngập trong những tấm năng lượng mặt trời. Chúng có thể dãn ra hoặc thu vào tùy điều kiện thời tiết. Hình dưới bên trái là những ao cá truyền thống trong khi bên phải là những ao cá dùng năng lượng mặt trời.
Trên thực tế, những người nông dân Trung Quốc thường bị buộc phải học hỏi các công nghệ mới trong chăn nuôi, trồng trọt từ những chuyên gia đến từ chính phủ. Các quan chức địa phương nếu muốn thăng tiến sẽ cần thành tích và việc áp dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp là 1 thành tích dễ đánh giá.
Đến đây có lẽ nhiều người đã hiểu tại sao Trung Quốc lại thống trị thế giới về sản lượng tơ tằm (84% toàn cầu), sản lượng cá nước ngọt (66%) cũng như sản lượng điện mặt trời (25,8%). Thậm chí ở những vùng Chiết Giang, Giang Tô, người dân hầu như ăn thủy sản hàng ngày và được cho là luôn thông minh hơn những vùng khác.
Ngoài cá, những hộ nông dân Trung Quốc có thể nuôi trồng nhiều loại lương thực khác trong các ao. Một trong số đó là củ sen. Sản lượng củ sen hàng năm của Trung Quốc là 11 triệu tấn/năm, chiếm 90% sản lượng toàn cầu và 60% tổng xuất khẩu trên toàn thế giới. Không riêng gì Trung Quốc, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí Việt Nam cũng thích ăn loại củ này.
Bên cạnh đó, người Trung Quốc còn có thể trồng cải hay khoai môn. Thay vì phải bón phân, người nông dân vớt bùn vào mùa đông ở các ao cá lên và đắp trên bờ, sau đó trồng cây lên. Kết quả họ sẽ được những cánh đồng như hình dưới đây.
Ảnh trên là tại Duotian-Hưng Hóa-Giang Tô (tọa đô 32°56'51.9"N 119°51'50.4"E) và đây là lý do Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản lượng dầu cải (22% sản lượng toàn cầu).
Đáng kinh ngạc hơn, việc trồng nhiều cải khiến các nông dân tận dụng nuôi được cả ong. Hiện Trung Quốc chiếm 30% tổng sản lượng mật ong trên toàn cầu.
Khoảng 1/3 số mật ong đang được tiêu thụ tại Mỹ là được nhập khẩu trực tiếp hay gián tiếp từ Trung Quốc. Nhằm tránh rào cản chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ xuất khẩu mật ong sang nước thứ 3 như Ấn Độ, Philippines hay Malaysia rồi thay đổi nhãn hiệu xong mới đưa sang Mỹ.
Sản lượng mật ong tự nhiên 2017 (tấn)
Ngoài mật ong, khu vực này cũng nổi tiếng với loài cua đồng, chúng được bán với giá 60 USD/kg.
Địa điểm 3: Shouguang-Sơn Đông (tọa độ 36°44'15.9"N 118°44'14.7"E)
Khu vực thứ 3 mà chúng ta sẽ tới khi nói về các người Trung Quốc tự nuôi sống bản thân là vùng Sơn Đông.
Nếu soi kỹ, chúng ta sẽ thấy hàng triệu dãy nhà kính lấp lánh phủ kín nhiều vùng Sơn Đông.
Chúng là những nhà kính được điều chỉnh môi trường, như nhiệt độ hay độ ẩm để trồng các loại rau củ quả.
Tại các khu nhà kính, người Trung Quốc có thể trồng bất cứ loại rau củ quả nào bất kể đó là trong mùa gì bởi họ có thể điều tiết được môi trường trồng trọt. Điều này đồng nghĩa bạn có thể thu hoạch rau củ quả gấp nhiều lần so với thông thường tùy nhu cầu của thị trường.
Ví dụ bạn cần ít nhất 52 ngày để trồng rau diếp từ lúc là hạt giống cho đến thu hoạch trong nhà kính. Tuy nhiên thay vì phải đợi theo mùa, bạn có thể trồng liên tục trong năm và thu hoạch 7 lần liên tiếp, cho ra sản lượng cũng cao gấp 7 lần thông thường.
Bởi nhà kính có thể thúc đẩy sản lượng nên chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các cấp địa phương Sơn Đông thúc đẩy mô hình. Họ thậm chí buộc các nông dân phải vay vốn từ Ngân hàng hợp tác phát triển nông nghiệp Trung Quốc (CRCB) để xây dựng nhà kính. Đồng thời nông dân bị buộc phải đi học các lớp hướng dẫn sử dụng điện thoại để điều khiến hệ thống môi trường nhà kính từ xa.
Hệ quả là theo số liệu của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO), lượng tiêu thụ rau củ quả ở Trung Quốc đạt khoảng 700 triệu tấn/năm, tương đương 40% lượng tiêu thụ toàn cầu. Nếu so sánh với 180 triệu tấn tiêu thụ của Ấn Độ, Trung Quốc rõ ràng cao hơn 3,8 lần dù lượng người ăn chay ở Ấn Độ nhiều hơn và lượng đất nông nghiệp của Trung Quốc ít hơn.
Nhờ nhà kính mà người Trung Quốc có thể hưởng thụ bất kỳ loại rau củ quả nào quanh năm so với những quốc gia khác. Trung Quốc hiện đứng đầu sản lượng hầu như mọi loại rau quả phi nhiệt đới (Non Tropical) và bỏ rất xa những nước đứng thứ 2.
Sản lượng dưa hấu (triệu tấn năm 2016)
Lấy ví dụ dưa hấu. Tại Nhật Bản, mỗi quả dưa hấu có giá khoảng 2.000 Yên (18 USD) nhưng ở Trung Quốc, bạn có thể mua dưa hấu to hơn rất nhiều chỉ với 10 Nhân dân tệ (1,5 USD).
(Còn tiếp)