Khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, các thị trường mới nổi trở nên lo ngại về dòng chảy vốn và những cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính. Trung Quốc vốn đang trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng với Mỹ cũng không phải ngoại lệ.
Tuần này, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm, một lần nữa khẳng định viễn cảnh tiếp tục tăng dần nhiều lần trong năm tới.
Các quốc gia từ Argentina cho đến Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tổn thất bởi lãi suất cao hơn ở Mỹ bởi tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn, nội tệ của họ yếu hơn USD, khiến dòng vốn chảy ra từ những quốc gia này.
Bị đè nặng bởi thuế quan thương mại Mỹ và khoản nợ nội địa đáng kể, Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn với áp lực dòng vốn chảy ra và bán phá giá. Chứng khoán Thượng Hải đã mất 15,6% năm nay và đồng nhân dân tệ đã giảm 9% so với USD từ tháng 4.
Anna Stupnytska, nhà kinh tế quốc tế tại Fidelity International, cho rằng các thị trường mới nổi phải đối mặt với tình hình tài chính thắt chặt hơn năm nay, “gây ra nhiều tác động lớn hơn khi dòng vốn bắt đầu đảo chiều”.
“Khi tình hình chiến tranh thượng mại khó lắng xuống, rủi ro tổng thể đối với tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu rõ ràng nghiêng về phía tiêu cực”.
Sức mạnh và sự ổn định của đồng USD đã tạo nên nền tảng cho hệ thống dự trữ tiền tệ thế giới để duy trì thanh khoản và an toàn lưu trữ trong những tình huống biến động kinh tế.
Dù phàn nàn về sự bá chủ của USD những năm qua, đồng bạc xanh vẫn là lựa chọn mặc định của Trung Quốc cho thương mại và USD chiếm khoảng 2/3 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.
Khi cuộc chiến thương mại leo thang, Trung Quốc lại lần nữa cho rằng trạng thái neo của USD là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt trong thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với các nước khác, không phải do hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Reuters.
Trong báo cáo “Sự thật và Vị trí của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại Trung - Mỹ” công bố trong tuần, Trung Quốc lập luận rằng Mỹ đã được “đặc quyền thái quá” - thuật ngữ được đưa ra bởi cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, thu lợi/lợi nhuận với tất cả các quốc gia.
“Chi phí in đồng 100 USD chỉ là vài cent đối với Mỹ nhưng các quốc gia khác phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ thực tế để nhận được đồng tiền này”.
“Mặt khác, là tiền tệ chủ đạo toàn cầu, USD hỗ trợ thương mại quốc tế mà Mỹ cung cấp đồng USD cho toàn thế giới thông qua thâm hụt. Vì vậy, đằng sau thâm hụt thương mại của Mỹ là những lợi ích sâu xa và nền móng căn bản nhất của hệ thống tiền tệ quốc tế”.
Trung Quốc còn cho rằng mức tiết kiệm thấp và tiêu dùng cao ở Mỹ có nghĩa quốc gia này phải “thâm hụt” để thu hút lượng lớn tiết kiệm nước ngoài. “Thâm hụt thương mại Mỹ là một hiện tượng kinh tế nội sinh, có cấu trúc và bền vững”.
Những nhà kinh tế cho rằng vị thế USD là nguồn sức mạnh cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Yukon Huang, thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment, cựu giám đốc World Bank tại Trung Quốc, nói: "Miễn là bạn kiểm soát tốt hệ thống tài chính quốc tế, bạn có thể bỏ qua phần còn lại của thế giới".
Nhưng sự thống trị này không phải là tất cả.
Tỷ lệ dự trữ bằng USD được báo cáo cho IMF đã xuống mức thấp nhất 4 năm trong quý I, chỉ 6,49 nghìn tỷ USD, tương đương 62,48% lượng dự trữ được phân bổ. Đây là mức thấp nhất kể từ quý IV/2013, khi đó là 61,24%, theo số liệu của IMF. Tỷ lệ của đồng euro, nhân dân tệ, bảng Anh đều tăng trong quý I.
Đồng thời, Bắc Kinh đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để tránh các sự chuyển dịch vốn và ngăn nhân dân tệ mất giá, bao gồm thắt chặt kiểm soát các khoản thanh toán quốc tế và mở rộng các kênh dòng vốn chảy vào.
Frances Cheung, giám đốc Chiến lược vĩ mô châu Á tại Westpac Banking, cho rằng nhu cầu sở hữu trái phiếu chính phủ tại Trung Quốc cho thấy các nhà đầu tư không mất niềm tin.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng hứa hẹn Trung Quốc trong năm nay sẽ không sử dụng nhân dân tệ làm vũ khí cho chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc đang tạm thời bảo vệ thị trường tài chính nước này khỏi Fed, Bắc Kinh có thể thua trong cuộc chiến tranh thương mại nếu USD tiếp tục giữ vị thế chủ đạo.
Yukon Huang nói: “Tất cả những gì Mỹ cần làm để giữ vị thế kinh tế của họ tiếp tục tăng trưởng 2% mỗi năm trong vòng 20, 30 năm tới. Do GDP bình quân đầu người của Mỹ lớn gấp 7 lần Trung Quốc, khoảng cách Trung – Mỹ chỉ càng ngày càng lớn”.