Công ty vỡ nợ vì không còn là "con cưng" của chính phủ
Thành phố Bảo Định (Trung Quốc) có 2 đặc sản nổi tiếng là: bánh mỳ kẹp thịt lừa và những tấm pin năng lượng mặt trời. Đây là một trung tâm công nghiệp nằm ở phía nam Bắc Kinh, được coi là "Thung lũng Năng lượng" bởi có rất nhiều nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời.
Thế nhưng, đối với Vincent Yu, phó tổng giám đốc Yingli Solar - một trong những công ty năng lượng tái tạo đầu tiên ở thành phố, thì hoạt động kinh doanh gần đây rất khó khăn. Yu chia sẻ: "2 năm trở lại đây, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Khoản trợ cấp cho các dự án năng lượng mặt trời đã sụt giảm." Ông dự đoán, lượng thiết bị năng lượng mặt trời được lắp đặt ở Trung Quốc sẽ giảm khoảng 40% trong năm nay.
Những bức ảnh trong phòng làm việc của ông được chụp trong thời kỳ khởi sắc của ngành công nghiệp này - khoảng 1 thập kỷ trước. Doanh số bán hàng tăng đột biến và công ty đã chi hàng triệu USD để tài trợ cho các giải đấu World Cup 2010 và 2014. Yingli là nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới vào năm 2012 và 2013, xuất khẩu sản phẩm ra toàn cầu và là "nhà vô địch" ở Trung Quốc. Khuôn viên nhà máy rộng lớn ở Bảo Định lưu giữ kỷ niệm về những ngày tháng đó, với một bảo tàng nói về lịch sử của Yingli với vị trí là một công ty tiên phong trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Giờ đây, Yingli chìm trong nợ nần. Công ty này đối mặt với tình trạng vỡ nợ từ năm 2016 và đến năm 2018 thì bị huỷ niêm yết tại NYSE vì vốn hoá giảm xuống dưới ngưỡng tối thiểu 50 triệu USD. Dù Yingli vẫn sản xuất các tấm pin mặt trời, nhưng nhà máy lại làm ăn thua lỗ và tài sản giá trị duy nhất họ có là những khu đất bên dưới. Một số sẽ thắc mắc tại sao Yingli đến giờ này vẫn có thể hoạt động. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng mối liên hệ chính trị của nhà sáng lập đã giúp họ đối phó với các chủ nợ.
Yingli là công ty chịu thiệt hại lớn nhất từ sự thay đổi chính sách trong cả ngành năng lượng tái tạo ở một quốc gia từng được tôn vinh là "nhà vô địch" năng lượng sạch của thế giới. Đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng sạch đang giảm mạnh, từ 76 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 29 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.
Gạt bỏ mục tiêu khí thải để phát triển kinh tế
Đối với các cuộc thảo luận thường niên về chủ đề khí hậu của Liên Hợp Quốc thì đây là vấn đề đáng báo động. Mối lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay. Khoảng cách giữa những gì các quốc gia nên làm và những gì họ thực sự làm chưa bao giờ lớn đến vậy. Khi Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, thì mọi ánh nhìn đang hướng về Trung Quốc.
Trung Quốc là đất nước "xanh" nhất thế giới, nhưng cũng ô nhiễm nhất. Quốc gia này có nhiều năng lượng gió và mặt trời hơn bất kỳ nơi nào, nhưng cũng xây dựng các nhà máy than đá mới với quy mô lớn nhất thế giới. Năm ngoái, lượng khí thải của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục , chiếm hơn một nửa mức tăng phát thải CO2 trong ngành năng lượng trên toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Năm nay, lượng khí thải của Trung Quốc dự kiến tăng khoảng 3% so với năm ngoái.
Đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo đã giảm 39% trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2018, theo Bloomberg New Energy Finance. Bắc Kinh đã tài trợ cho những dự án pin mặt trời vào giữa năm ngoái, nhưng hiện đang cắt giảm gây ra tình trạng thay đổi đột ngột.
Li Junfeng, một nhà hoạch định chính sách cấp cao về năng lượng tái tạo và chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Biến đổi Khí hậu Quốc gia, cho hay: "Khoản đầu tư có lẽ đang khá thấp. Chính sách mới chưa được áp dụng và chính sách trợ cấp cũ đã bị dừng lại."
5 năm trước, khi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, Bắc Kinh đã cân nhắc về các chính sách môi trường chặt chẽ hơn, trở thành yếu tố cốt lõi cho sự chuyển đổi kinh tế tách khỏi ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều năng lượng. Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1990, điều đó đã thay đổi.
Trên giấy tờ, mục tiêu về khí hậu của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Bắc Kinh cam kết lượng khí thải CO2 sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2030 và cắt giảm 20% năng lượng từ các nguồn phi hoá thạch vào cùng thời gian. Tuy nhiên, lời hứa hẹn này sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục tăng lượng khí thải trong thập kỷ tới. Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc đã chi hơn 30 tỷ USD để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở các quốc gia khác và đang làm tăng lượng khí thải trên toàn cầu.
Năng lượng sạch "thất sủng"
Đồng thời, năng lượng than dường như một lần nữa lại "lên ngôi" đối với Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tháng trước, ông đã khẳng định đây là lĩnh vực được ưu tiên. Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Nhiều người coi đây là một phần của lý do tại sao Trung Quốc ngày càng tập trụng vào vấn đề an ninh năng lượng ở Bắc Kinh, vì các nhà lãnh đạo đang bị đe doạ bởi mối quan hệ dần xấu đi với phương Tây.
Các nhà hoạch định chính sách cũng tập trung vào việc giữ chi phí năng lượng ở mức rẻ để giúp kích thích nền kinh tế. Do đó, từ tháng 1, giá điện từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ được điều chỉnh và dự kiến là sẽ giảm.
Những yếu tố này làm tăng thêm nỗi buồn cho ngành năng lượng tái tạo. Sau khi ngành này được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp hào phóng trong hơn 1 thập kỷ, thì năm ngoái Bắc Kinh đã cắt giảm trợ cấp cho ngành năng lượng mặt trời mà không báo trước. Do đó, các khoản nợ sắp đáo hạn đã tạo lượng thâm hụt khoảng 200 tỷ CNY (28 tỷ USD) trong quỹ phát triển năng lượng tái tạo.
Các chính sách mới về năng lượng tái tạo đang tập trung vào "grid parity" (hiệu quả kinh tế trong đầu tư vào điện mặt trời không kém gì so với đầu tư vào thủy điện, nhiệt điện), chỉ xây dựng các dự án năng lượng gió và mặt trời, cạnh tranh với giá của nhiệt điện. Tuy nhiên, với giá điện than giảm và một loạt các nhà máy điện than đi vào hoạt động, thì đây sẽ là một thách thức đối với điện gió và điện mặt trời.
Tham khảo Financial Times