Trung Quốc dự định duy trì các hạn chế nhập cảnh thêm ít nhất một năm nữa khi giới chức trách lo ngại nguy cơ các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tràn vào nước này từ những người nhập cảnh...
Tờ Wall Street Journal hôm 22-6 dẫn các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết mốc thời gian tạm thời về việc tái mở cửa biên giới vào nửa cuối năm 2022 được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 5 của Quốc vụ viện Trung Quốc với sự tham dự của các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cùng các cơ quan chính phủ khác.
Thái độ thận trọng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một hai sự kiện mà các quan chức mong muốn sẽ diễn ra mà không gặp trở ngại vào năm tới: Thế Vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào 2-2022 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào nửa cuối năm 2022.
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Đại hội này sẽ chứng kiến cuộc chuyển giao quyền diễn ra một thập kỷ một lần của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư Trung Quốc, Tập Cận Bình được cho là sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ ngoài giới hạn hai nhiệm kỳ theo thông lệ.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm 23-6 cho biết hôm trước đó, Trung Quốc ghi nhận thêm 24 ca nhiễm Covid-19 mới, tất cả đều từ những người nhập cảnh. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc trong đại dich theo công bố của nước này là 91.653, còn số ca tử vong là 4.636. |
Các nguồn tin cho biết, bằng cách chỉ ưu tiên cấp thị thực nhập cảnh mới cho những người đã tiêm các vaccine Covod-19 của Trung Quốc và duy trì yêu cầu cách ly bắt buộc tại khách sạn trong ít nhất 14 ngày khi nhập cảnh, các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực vô hiệu hóa rủi ro từ các ca nhiễm nhập khẩu.
Sau dịch Covid-19 bùng lên lần đầu tiên ở TP. Vũ Hán vào năm ngoái, Trung Quốc lên án các nước như Mỹ vì họ áp đặt các hạn chế đối đi lại đối với Trung Quốc. Nhưng khi kiểm soát thành công dịch bệnh ở trong nước và tình hình trở nên tồi tệ hơn ở bên ngoài, Trung Quốc là một trong những quốc gia khắt khe nhất trong việc duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Hôm 20-6, giới chức trách y tế Trung Quốc cho biết họ đã hoàn thành hơn một tỉ mũi tiêm. Theo dữ liệu của Our World in Data, tính đến ngày 10-6, 16% dân số Trung Quốc đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Covid-19.
Tốc độ tiêm chủng có thể sẽ chậm lại, khoảng 10 triệu liều mỗi ngày vào đầu tháng 8, từ mức cao nhất là 20 triệu liều/ngày vào đầu tháng 6, khi giới chức y tế triển khai các mũi tiêm đến những nơi xa xôi hơn. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo đến tháng 12, 80% dân số Trung Quốc sẽ được tiêm ít nhất một liều.
Theo các nguồn tin, nếu Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đi lại với bên ngoài, nhiều khả năng sẽ nới lỏng đi lại giữa Trung Quốc đại lục với Hồng Kông và Ma Cao trước. Đây là hai đặc khu hành chính giáp ranh với tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Hồng Kông và Ma Cao đã trải qua vài tuần mà không có bất kỳ ca nhiễm trong cộng đồng nào. Dù vậy, Quảng Đông đang đối mặt với một làn sóng ca nhiễm trong tháng qua, khiến cho bất kỳ triển vọng dỡ bỏ các hạn chế đi lại với hai đặc khu hành chính trên trong tương lai gần khó thành hiện thực.
Theo các nguồn tin, tiếp sau đó, Trung Quốc có thể nới lỏng đi lại đối với các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao và đã kiểm soát được số lượng ca nhiễm. Trung Quốc chưa phê duyệt bất kỳ vaccine Covid-19 nào của phương Tây nào đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng khẩn cấp. Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Mỹ cũng chưa phê duyệt bất kỳ vaccine Covid-19 nào của Trung Quốc.
Đầu tháng này, Feng Zijian, cựu Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), cho biết thời điểm của bất kỳ sự chuyển đổi nào từ chiến lược kiểm soát triệt để Covid-19 không sang một chiến lược biên giới rộng mở hơn sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức cao của tỷ lệ tiêm chủng và việc liệu xã hội có chấp nhận một số trường hợp tử vong hay không.
Các nước như Anh và Chile có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới nhưng vẫn đang phải ứng phó với sự gia tăng của các nhiễm, phần lớn xuất hiện ở những người dân chưa được tiêm chủng. Điều này khiến họ phải trì hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Ngoài ra, dữ liệu lâm sàng chỉ ra rằng các vaccine Covid-19 do các công ty Trung Quốc sản xuất, dù có thể hạn chế các ca nhiễm có triệu chứng nặng và nhập viện, nhưng ít hiệu quả hơn trong việc giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Jin Dong-Yan, giáo sư về virus học phân tử tại Đại học Hồng Kông, nói: “Điều này có thể cho phép virus nhân lên, dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng chưa được tiêm chủng hoặc tiếp tục đột biến khiến các loại vaccine Covid-19 hiện tại trở nên vô hiệu”.
Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết, các vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển đã chứng minh được hiệu quả chống lại các biến chủng virus SARS-CoV-2 hiện tại, bao gồm cả biến thể Delta dễ lây lay hơn, được phát hiện lần đầu tiênở Ấn Độ. Họ nói rằng dù những người được tiêm đầy đủ hai liều vaccine bị nhiễm virus SARS-CoV-2, họ sẽ tránh được các triệu chứng nặng.
CCDC cho biết đang nghiên cứu hiệu quả của các liều tiêm bổ sung, bao gồm cả các mũi tiêm nhắc lại của các vaccine Covid-19 được phát triển trong nước cũng như vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ khác của BioNTech (Đức) được sản xuất thông qua một liên doanh với hãng dược Fosun Pharma (Trung Quốc). Các nhà tổ chức của Thế vận hội Bắc Kinh vẫn chưa biết liệu khán giả nước ngoài có được phép vào nước này hay không.
Trong khi các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ của Trung Quốc đã ngăn chặn được virus SARS-CoV-2, tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước phục hồi, các đợt phát dịch bệnh vẫn tiếp tục xảy ra và các hạn chế biên giới kéo dài sẽ đặt ra giới hạn cho đà phục hồi đó, Cui Ernan, một nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics nhận định.
(Theo Wall Street Journal/ KTSG Online)