Trung Quốc áp dụng mẫu C/O mới
Từ sáng 20/8 đến nay, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bắt đầu có tình trạng nhiều lô hàng nhập khẩu bị ùn ứ phía bên Trung Quốc do Trung Quốc đột ngột áp dụng mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) form E mới (mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% từ Trung Quốc).
Nhiều doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa qua qua Chi cục Hải quan Tân Thanh và Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã xuất trình C/O form E mẫu mới do cơ quan phía Trung Quốc cấp.
Đại diện Cục hải quan Lạng Sơn cho hay, mẫu C/O mới này phù hợp với mẫu C/O được quy định tại Thông tư 12/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 của Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ô tô tải nguyên chiếc tại CK quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Lương Bằng
Tuy nhiên, điều đáng nói là, Thông tư 12 của Bộ Công Thương tới tận ngày 12/9 tới mới có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, mẫu C/O form E thuộc phụ lục II kèm theo Thông tư 12/2019/TT-BTC có một số điểm khác biệt so với mẫu C/O hiện hành. Do vậy, các đơn vị hải quan cửa khẩu không có căn cứ để chấp nhận các C/O mẫu mới do doanh nghiệp cung cấp.
Chia sẻ với PV. VietNamNet sáng 23/8, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho biết: "Hải quan Hữu Nghị đã có văn bản báo cáo về Cục Hải quan Lạng Sơn, Cục đã báo cáo về Tổng cục. Giờ Thông tư chưa có hiệu lực thì đơn vị cơ sở cũng không thể cho áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt được. Chúng tôi cũng mời doanh nghiệp lên để tuyên truyền và DN cũng chia sẻ điều này. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã làm đơn xin chậm nộp C/O và nộp thuế theo thuế suất ưu đãi (không được hưởng thuế 0%). Khi có văn bản trả lời cụ thể, nếu đủ điều kiện thì sẽ làm công tác hoàn thuế cho DN".
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách này do số thuế phải nộp là khá lớn. Bởi với hàng nhập khẩu có C/O form E, doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt chỉ 0%. Nếu hiện nay áp mức thuế nhập khẩu thông thương, nhiều mặt hàng thuế suất rất cao, doanh nghiệp chưa chuẩn bị kịp nguồn tiền.
“Tại cửa khẩu Tân Thanh, có một số nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc doanh nghiệp chưa dám đưa về Việt Nam do lo ngại phải nộp mức thuế cao hoặc sợ hỏng hàng. Tại cửa khẩu Hữu Nghị chủ yếu nhập máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... nên một số doanh nghiệp đã chấp nhận nộp thuế theo thuế suất nhập khẩu thông thường để đưa hàng về", đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay.
Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"
Khá lo lắng trước tình trạng vướng mắc đang diễn ra, chia sẻ báo báo chí, đại diện Công ty HAB (doanh nghiệp chuyên nhập khẩu mặt hàng nhôm qua cửa khẩu Hữu Nghị - PV) cho hay: Mỗi tháng, doanh nghiệp nhập khẩu từ 20-30 container. Công ty đang ùn 3 container với tổng trị giá hàng hóa khoảng 6 tỷ đồng tại cửa khẩu. Doanh nghiệp cũng đang phải dừng phương án tiếp tục mua hàng với đối tác Trung Quốc để nghe ngóng tình hình.
"Phía cơ quan Hải quan đưa ra phương án xử lý là doanh nghiệp đóng thuế nhập khẩu theo thuế suất thông thường không được hưởng ưu đãi, nợ C/O. Chỉ riêng thuế nhập khẩu cho 3 container nêu trên, công ty tôi mất 600 triệu đồng. Nếu tính cả tiền thuế chống bán phá với mặt hàng nhôm, tổng số thuế là khoảng 700 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn, đột ngột thay đổi kế hoạch, quỹ của doanh nghiệp không thể chi ra được", vị này cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, Công ty HAB đã lựa chọn phương án đưa hàng về Việt Nam nhưng vẫn lưu hàng trên xe của Trung Quốc với mức chi phí lưu xe trong 3-5 ngày là 6 triệu đồng/container.
Thấp thỏm chờ đợi động thái từ phía cơ quan quản lý tại Việt Nam, trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp sẽ phải gửi hàng tại kho trên bãi xuất nhập khẩu ở Việt Nam với mức chi phí "dễ thở" hơn khá nhiều so với lưu trên xe của Trung Quốc là khoảng 1-2 triệu đồng/ngày cho cả 3 container hàng hóa.
"Hiện khá nhiều doanh nghiệp cũng có động thái chờ đợi như chúng tôi. Ngoài các khoản chi phí phát sinh như trên, doanh nghiệp còn có thêm nỗi lo bị phạt vì chậm giao hàng cho đối tác. Chỉ giao chậm từ 3-5 ngày là doanh nghiệp đã bị phạt và số tiền phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng", đại diện doanh nghiệp này lo lắng.
|