Được tiến hành bởi các nhà khoa học tại Viện Động vật học Côn Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Trường ĐH Bắc Carolina (Mỹ), kết quả thử nghiệm trên được công bố trên Tạp chí National Science Review vào tháng trước. Với mục đích tìm hiểu tiến trình tiến hóa của trí tuệ con người, các nhà nghiên cứu này cấy gien MCPH1 ở người vào 11 con khỉ Macaca mulatta, theo đài CNN. MCPH1 được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển não bộ của con người.
Họ phát hiện những con khỉ thử nghiệm có bộ não phát triển trong thời gian dài hơn - giống như con người, có trí nhớ ngắn hạn tốt hơn và phản ứng nhanh hơn so với khỉ hoang dã. Tuy nhiên, não của chúng không phát triển lớn như kỳ vọng. Những kết quả trên được ghi nhận thông qua các bài kiểm tra về ghi nhớ màu sắc và hình dáng đồ vật (dựa theo hình ảnh chụp cộng hưởng từ). Chỉ có 5 trong số 11 con khỉ vượt qua giai đoạn kiểm tra.
Hai trong số 5 con khỉ được nhân bản từ một con khỉ bị biến đổi gien trong một công trình nghiên cứu ở Trung Quốc đầu năm nay. Ảnh: REUTERS
Các tác giả của cuộc nghiên cứu khẳng định loài khỉ được thử nghiệm tuy gần với con người về mặt di truyền hơn loài gặm nhấm nhưng vẫn không gây lo ngại về đạo đức. Dù vậy, không thể ngăn được những lo ngại và chỉ trích.
Đây không phải là cuộc nghiên cứu táo bạo gây tranh cãi duy nhất ở Trung Quốc. Hồi tháng 1, các nhà khoa học nước này giới thiệu 5 con khỉ nhân bản từ một con khỉ bị biến đổi gien để mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Tất cả chúng đều có các vấn đề tâm thần như trầm cảm, căng thẳng và nhiều dấu hiệu liên quan đến tâm thần phân liệt. Các nhà khoa học Trung Quốc biện hộ cuộc thí nghiệm nhằm hỗ trợ nghiên cứu về các tâm lý của con người.
Với cuộc thí nghiệm mới nhất, ông Su Bing, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Động vật Côn Minh, nói với đài CNN: "Về lâu dài, nghiên cứu cơ bản như vậy sẽ đem lại những phân tích có giá trị về nguyên nhân và cách điều trị các bệnh về não ở người, như tự kỷ". Theo ông Su, khám phá cơ chế di truyền của sự tiến hóa não người là một vấn đề lớn trong khoa học tự nhiên và các nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thử nghiệm.
Đáp lại, nhà di truyền học James Sikela thuộc Trường ĐH Colorado (Mỹ) nhận định đây là "con đường quá mạo hiểm". Tương tự, nhà sinh vật học Jacqueline Glover thuộc Trường ĐH Colorado (Mỹ) lập luận trên Tạp chí MIT Technology Review: "Nhân cách hóa chúng là gây hại. Chúng sẽ sống ở đâu và làm gì? Đừng tạo ra một sinh vật không thể có một cuộc sống có ý nghĩa".
Theo đài CNN, đây là cuộc tranh cãi thứ hai liên quan đến gien do các nhà nghiên cứu Trung Quốc gây ra trong vòng chưa đầy 6 tháng. Hồi tháng 11 năm ngoái, nhà khoa học He Jiankui đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới với mục đích giúp chúng không nhiễm HIV, bị cộng đồng quốc tế phản đối dữ dội.