Đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump gặp thêm nhiều khó khăn trước thềm cuộc bầu cử khi mà các nền kinh tế trên thế giới thêm bất ổn vì Covid-19, chứng khoán quay đầu giảm mạnh và bất ổn trong nội bộ nước Mỹ gia tăng.
Dồn dập tin xấu
Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) chứng kiến một phiên giảm điểm khá mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm hơn 500 điểm, chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm tới 1,2%... do giới đầu tư lo ngại về triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ khi đại dịch Covid-19 diễn biến xấu hơn.
Triển vọng kinh tế Mỹ kém sáng sủa trong bối cảnh giới đầu tư lo lắng về sự không chắc chắn của gói kích thích tài khóa bổ sung sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời cuối tuần trước.
Nhiều người lo ngại sự việc bà Ginsburg qua đời có thể khiến các tranh luận về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ trở nên gay gắt hơn. Các cuộc đàm phán về dự luật kích thích kinh tế mới có thể trở nên phức tạp. Sự kiện này được dự báo sẽ làm thay đổi tính cân bằng của Tòa tối cao Mỹ.
Trong vài tháng qua, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã rơi vào thế bế tắc sau khi các điều khoản từ dự luật kích thích kinh tế trước đó hết hạn. Hai bên chưa thể thống nhất một gói kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.
Triển vọng kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi nỗi lo dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại khi mùa cúm đang tới gần. Nước Mỹ chứng kiến số ca tử vong đã lên tới gần 200 nghìn trường hợp. Số ca nhiễm mới vẫn đạt trung bình gần 40.000 ca/ngày.
Ở châu Âu, chính phủ các nước khu vực này nhiều khả năng có thể áp thêm biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong vài ngày tới khi số ca lây nhiễm Covid hàng ngày tăng lên nhanh chóng, nhất là tại Tây Ban Nha, Pháp, Áo và Hà Lan.
Cuộc đua vào Nhà Trắng ngày càng gay cấn. Kinh tế là một vấn đề được 2 ứng viên tập trung. |
Nhiều chuyên gia từ các ngân hàng lớn như tại Deutsche Bank cho rằng, việc các nước trên thế giới chưa kiểm soát được đại dịch Covid đang khiến giới đầu tư hoang mang. Một số khu vực tại châu Âu như ở phía bắc của nước Anh hay tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đang ở trong tình trạng phong tỏa. Nước Anh và một số nước đang xem xét triển khai phong tỏa toàn quốc lần 2 để ngăn virus lây lan.
Trên thị trường tài chính thế giới, một “cơn bão” đang càn quét nước Mỹ sau khi nước này vừa có cuộc điều tra ngân hàng và có một báo cáo gây chấn động. Theo đó, nhiều ngân hàng lớn trong đó có JP Morgan, Deustche Bank AG và HSBC… thuộc nhóm các ngân hàng toàn cầu được cho là hưởng lợi từ một số “đối tượng nguy hiểm” trong 2 thập kỷ qua.
Theo báo cáo nhóm các tổ chức tài chính trên đã thực hiện tổng số các giao dịch tài chính trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2017. Đây là các giao dịch bị nghi vấn rửa tiền hoặc tiền có liên quan đến hoạt động phạm tội. Cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo trên diện rộng.
Thế giới tài chính bất định, ông Trump vào cuộc đua cam go
Theo đánh giá Deutsche Bank, hy vọng về đà hồi phục kinh tế của châu Âu đang dần dần vuột khỏi tầm tay. Sự bất định của kinh tế châu Âu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ.
Điều mà giới đầu tư lo ngại hiện tại là việc không thể biết được các chính quyền châu Âu sẽ ra chiến lược gì ngay tại thời điểm này khi mà sự lây lan dịch Covid vẫn diễn ra với tốc độ rất nhanh. Chính phủ các nước không muốn phong tỏa quy mô lớn, nhưng cũng không muốn virus lây lan.
Hầu hết các nước đều không thể giải quyết cả 2 vấn đề này cũng một lúc, trong bối cảnh hiệu quả của các loại vaccine ngừa Covid vẫn chưa được xác định trong khi mùa cúm đang đến gần. Trong phiên đầu tuần, chỉ số chứng khoán chính của châu Âu giảm hơn 3% và đây là một tín hiệu cho thấy hy vọng về một sự hồi phục kinh tế đang tiêu tan nhanh chóng.
Cuộc chiến Mỹ-Trung ngày càng leo thang. |
Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố cấm 2 ông lớn công nghệ của Trung Quốc WeChat và TikTok.
Hiện chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa chưa nêu cụ thể các doanh nghiệp Mỹ nằm trong danh sách đen nói trên. Tuy nhiên, một số cái tên đã được giới chuyên gia nhắc đến như ông lớn công nghệ Apple hay hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ.
Trên CNBC, Eurasia Group cho rằng, Trung Quốc sẽ đưa ra ít nhất 1 công ty Mỹ trong danh sách trong thời gian ngắn sắp tới như một cách để đối phó với chính quyền ông Donald Trump.
Trước đó, từ tháng 5/2019 ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra một danh sách đen các doanh nghiệp của Trung Quốc với một tên tuổi đáng chú ý đầu tiên là "gã khổng lồ" công nghệ Huawei của Trung Quốc. Huawei bị cấm làm ăn với các nhà cung cấp của Mỹ và hiện đã lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng có.
Sự đối đầu giữa 2 nền kinh tế lớn đã kéo dài trong gần 2 năm qua và đã lan từ lĩnh vực thương mại sang lĩnh vực công nghệ và tài chính. Đây là mục tiêu mà ông Trump nhắm tới nhằm mang lại sự cân bằng về nhiều lĩnh vực trong quan hệ giữa 2 nước. Tuy nhiên, nó cũng có thể là áp lực lớn lên vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần.
Không những thế, ông chủ Nhà Trắng cũng đang chịu áp lực lớn từ khu vực Trung Đông với quyết định khôi phục trừng phạt Iran. Đây được xem là một nấc thang nguy hiểm khi mà Washington không nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Trên thực tế, trong vài tuần gần đây ông Trump giành lại ưu thế và thu hẹp khoảng cách trước đối thủ Joe Biden nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất có thể nhấn chìm những thành quả về kinh tế vốn được coi là điểm mạnh của vị tổng thống này.
M. Hà